Tìm giải pháp khả thi cho những bất cập
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu từ các cơ quan của Đảng, các Bộ, ngành của Chính phủ, các viện nghiên cứu và đào tạo, cùng đại diện của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và các chuyên gia đến từ Australia. Đây là một phần quan trọng trong chuỗi nghiên cứu phục vụ việc tổng kết 40 năm Đổi mới của Việt Nam mà Trung tâm Việt - Úc (VAC) hỗ trợ. Các kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ là đầu vào phục vụ cho việc xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm Đổi mới và dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi nghiên cứu phục vụ tổng kết 40 năm Đổi mới của Việt Nam và việc hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các chuyên gia Australia và Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, sự hợp tác này sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ Việt Nam - Australia được xây dựng, bồi đắp trong 50 năm qua và đang ngày càng phát triển, đặc biệt là quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện mà hai nước vừa nâng cấp.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Australia chưa bao giờ bền chặt như thời điểm này; hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Australia sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045.
Thu hút cán bộ có năng lực phục vụ phát triển đất nước
Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung trao đổi, trình bày về 6 chủ đề được xác định là trọng tâm trong quá trình phát triển của Việt Nam, bao gồm các xu hướng lớn trên toàn cầu; cải cách hệ thống quản trị công; vượt bẫy thu nhập trung bình; cải cách lĩnh vực tài chính ở Việt Nam; đô thị hóa và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chỉ ra những dấu ấn của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới. Đó là đổi mới về tư duy từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường; định vị lại được vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế và chú trọng vào phát triển kinh tế tư nhân.
Theo TS. Đào Ngọc Báu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có 3 cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Đó là nhận thức mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là hình thành công nghiệp kết nối và thiết lập hạ tầng số. Thứ ba, Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế địa chiến lược của mình, trở thành quốc gia cầu nối giữa các quốc gia ASEAN với các nước Đông Á.
Nêu bật tầm quan trọng của việc phải thu hút được đội ngũ cán bộ có năng lực, GS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Mỹ kiến nghị cần cải cách hệ thống đánh giá để tạo ra động lực làm việc và cải cách pháp lý để tạo ra không gian làm việc. “Khi chúng ta có những chính sách toàn diện để tạo ra cú huých thì nền công vụ và hệ thống quản trị có thể được cải thiện, phục vụ sự phát triển của đất nước”, GS. Trần Ngọc Anh nêu quan điểm.