Xây cột mốc phụ tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia: Sức mạnh tinh thần đoàn kết

(PLO) - Với những chiếc ba lô đựng đầy cát, đá, xi măng các chiến sỹ Đại đội công binh thuộc Phòng tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bình Phước âm thầm mang vác vượt qua đoạn đường vô cùng khó khăn, có những nơi các chiến sỹ phải hành quân bộ từ 1 - 2km mới đến nơi thi công xây dựng. Vượt qua gian khổ, đến nay, đơn vị đã xây dựng hoàn thành 61/181 cột mốc phụ tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia mà tỉnh Bình Phước đảm nhiệm.
Đại đội Công binh hoàn thành công đoạn cuối xây dựng cột mốc
Đại đội Công binh hoàn thành công đoạn cuối xây dựng cột mốc

Tiếp tục “Mở đường thắng lợi” 

Đại đội công binh Phòng tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước được giao nhiệm vụ dò gỡ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh, phục vụ các đợt huấn luyện, diễn tập và xây dựng các công trình phòng thủ dọc tuyến biên giới tỉnh. Những năm gần đây, đơn vị còn được Bộ CHQS tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng các cột mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh. Những cột mốc mà đơn vị được giao đều nằm ở vị trí cao, địa hình khó khăn phức tạp, phải vượt qua nhiều đèo dốc, sông, suối như cột mốc đôi 61; 62 ...

Với đường biên giới dài hơn 260km, những năm qua, trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước đã cắm 19 vị trí với 28 cột mốc, từ mốc 61 đến mốc 79. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang tiến hành công tác tăng dày các cột mốc phụ theo sự thống nhất của Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Đến nay, Đại đội Công binh đã xây dựng hoàn thành 61/181 cột mốc phụ mà tỉnh Bình Phước đảm nhiệm.

Thượng úy La Văn Thắng - Đại đội trưởng Đại đội công binh, Phòng tham mưu, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, đơn vị đã quán triệt và triển khai cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị xác định rõ nhiệm vụ và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao nhất. Trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn như: điều kiện ăn ở sinh hoạt tạm bợ, quá trình thi công có những vị trí xa, để vận chuyển vật liệu qua sông, suối, anh em phải dùng ba lô gùi cát đá đến vị trí thi công. Cột mốc phải bao gói lại cho chắc chắn để khiêng qua suối bảo đảm được yêu cầu kỹ thuật cũng như không bị sứt mẻ…”.

Phát huy truyền thống của bộ đội công binh “Mở đường thắng lợi”, quá trình thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi những chiến sỹ công binh phải khắc phục khó khăn về địa hình bởi có những nơi phương tiện vận chuyển vật tư không đi được. Đoạn đường vận chuyển đã xa nhưng để thi công xây dựng được một cột mốc, những chiến sỹ công binh phải vận chuyển các loại vật liệu như: sắt, thép, xi măng, cát, đá, gạch và nước để đổ bê tông. Ngoài ra  phải đào hơn 23 mét khối đất, đá để xây dựng chân cột mốc. Với những chiếc ba lô đựng đầy cát, đá, xi măng các chiến sỹ âm thầm mang vác vượt qua đọan đường vô cùng khó khăn, có những nơi các chiến sỹ phải hành quân bộ từ 1 - 2km mới đến nơi thi công xây dựng. 

Hội tụ sức mạnh tinh thần và đoàn kết

Thực hiện nhiệm vụ trong môi trường khó khăn, gian khổ, từng chiến sỹ luôn xác định tốt nhiệm vụ, quyết tâm vận chuyển vật liệu xây dựng đến địa điểm thi công với quan điểm: “Cát là vàng, đá là kim cương và nước là máu”. Vì vậy, họ luôn coi trọng từng hạt cát, viên đá. Ngày qua  ngày, họ như những con ong thợ cần mẫn, dẻo dai vượt qua nắng, qua mưa, gió… để thi công công trình đảm bảo chất lượng và thời gian.

Sức mạnh tinh thần và sức mạnh đoàn kết đã tiếp cho những chiến sỹ công binh có thêm nhiều nghị lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trung sỹ Trương Thành Hiếu tâm sự: “Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi nhận nhiệm vụ xây dựng các cột mốc biên giới, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa rất cao cả. Quá trình xây dựng các cột mốc chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn và gian nan, nhưng nhờ sự giúp đỡ của chỉ huy các cấp nên chiến sỹ chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bộ đội Cụ Hồ là vậy, dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, gian khổ, dù có thể phải đối mặt với những khó khăn, thử thách nhưng từng chiến sỹ luôn hiện rõ niềm vinh dự tự hào vì được góp sức mình vì chủ quyền an ninh quốc gia. Có thể nói, những chiến sỹ công binh là những người luôn “đi trước về sau’’. Dù đất nước yên bình nhưng nơi những công trình xây dựng các cột mốc, những chiến sỹ công binh vẫn kiên trì bền bỉ, âm thầm thực hiện nhiệm vụ và chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Thượng úy Trịnh Văn Quỳnh - Chính trị viên Đại đội Công binh chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng các cột mốc phụ biên giới, đất liền Việt Nam - Campuchia, bằng sự nỗ lực đoàn kết phấn đấu trong toàn đơn vị, đặc biệt là sự quan tâm của Bộ CHQS tỉnh, đơn vị đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, xây dựng các cột mốc đảm bảo tiến độ, kế hoạch, đảm bảo tốt về vấn đề chất lượng kỹ thuật công trình, toàn đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt”.

Đánh giá về những đóng góp của lực lượng công binh trong quá trình thi công cột mốc biên giới, Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia tỉnh Bình Phước cho rằng: “Chỉ có những người lính Cụ Hồ mới làm được những điều như vậy. Các cột mốc giao cho Đại đội Công binh thi công đều chính xác vị trí, đúng thiết kế, đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật và tiến độ thời gian. 

Những gian nan, những vất vả, thử thách đang còn ở phía trước, đòi hỏi những chiến sỹ công binh phải vượt qua, đó là tiếp tục thi công xây dựng số cột mốc phụ còn lại trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước mà chúng ta đảm nhiệm. Tin tưởng rằng, các chiến sỹ công binh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn xứng đáng là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng trong lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước.

Đọc thêm