Văn hóa & Pháp luật

Xây dựng chính sách, pháp luật để văn hóa thực sự là 'mặt trận' vững vàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng đã xác định văn hóa là một trong ba mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021. (Ảnh TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021. (Ảnh TTXVN)

Do đó, thấm nhuần tư tưởng chủ đạo của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, xây dựng, củng cố và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về văn hóa là cơ sở quan trọng để phát huy tối đa các nguồn lực, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa

Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam là nền tảng, động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ bốn trụ cột vững chắc để xây dựng và phát triển bền vững đất nước: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Trong bài viết "Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa" đăng trên website Tạp chí Cộng sản ngày 6/3/2023, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa cũng được ban hành đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu của thực tiễn trong phát triển bền vững đất nước.

Chính sách vĩ mô của Nhà nước về phát triển văn hóa đã được thể hiện trong Điều 60 Hiến pháp năm 2013. Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho nhân dân, Quốc hội đã ban hành các đạo luật, như Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Xuất bản; Luật Báo chí; Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo; Luật Du lịch; Luật Thể dục, thể thao; Luật Thư viện; Luật Giáo dục; Luật Khoa học và công nghệ...; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược phát triển văn hóa trên từng lĩnh vực của văn hóa được thông qua, như Chương trình mục tiêu bảo tồn và tôn tạo di tích thắng cảnh, Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở...

Nhiều chính sách về đầu tư, hỗ trợ nguồn lực trong việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản và trùng tu hệ thống di sản văn hóa đã được Chính phủ ban hành thông qua các chương trình, đề án, chiến lược, chương trình cụ thể, như Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc được nhấn mạnh…

Hoàn thiện thể chế văn hóa để phát huy tối đa nguồn lực

Xây dựng, củng cố và hoàn thiện thể chế văn hóa là cơ sở quan trọng để phát huy tối đa các nguồn lực, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc đánh giá toàn diện quá trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện thể chế văn hóa ở nước ta thời gian qua, chỉ ra những “điểm nghẽn” và xác định những yêu cầu đổi mới là vô cùng cần thiết để thúc đẩy văn hóa phát triển, góp phần gia tăng sức mạnh quốc gia trong thời kỳ mới.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL trong bài viết “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới” đăng tải trên website Tạp chí Cộng sản ngày 10/1/2023.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện và hệ thống, góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa; khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa; hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho văn hóa; cơ chế, chính sách đang từng bước góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; quá trình hoàn thiện thể chế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa; việc xây dựng thể chế, chính sách đã tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng của văn hóa các dân tộc, vùng, miền, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và giữ vững chủ quyền quốc gia của Tổ quốc…

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa

Có thể thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam, thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng nằm chung trong bối cảnh đó. Vì thế, bên cạnh những mặt được nói trên, vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế cần có những giải pháp hoàn thiện pháp luật về văn hóa.

Ngày 17/2/2023, báo cáo với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về các nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa đã thể chế hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đơn cử như, các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về công tác gia đình tạo cơ chế để xây dựng, duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thể dục, thể thao đã thể chế hoá đường lối của Đảng về phát triển thể dục, thể thao, tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, tạo điều kiện cho thể thao thành tích cao phát triển, lập nhiều thành tích chưa từng có trong thể thao nước nhà, khơi dậy niềm tự hào dân tộc; hệ thống pháp luật về du lịch đã cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch…

Cũng theo bà Thủy, qua đánh giá một số quy định pháp luật về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển văn hóa, vẫn còn một số “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn, cồng kềnh, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể thực hiện, nhiều văn bản chứa đựng những quy định mang tính tuyên ngôn hơn là quy phạm pháp luật. Một số lĩnh vực chuyên môn chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh như lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, lĩnh vực văn học...

Bên cạnh đó, một số định hướng, chủ trương về hỗ trợ sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn chậm được thể chế hóa; tính dự báo của một số quy định trong văn bản chưa cao, sớm bị sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực thi và trước những thay đổi của thực tiễn sinh động. Việc kết nối giữa hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch với pháp luật liên quan còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa thực sự tạo chính sách, động lực cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn”, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy kiến nghị các Ủy ban của Quốc hội ủng hộ Bộ VH,TT&DL đối với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật liên quan tác động trực tiếp đến nguồn lực phát triển văn hóa.

“Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa đã được quy định khá rõ trong các luật và văn bản dưới luật. Triển khai thực hiện các quy định này, thời gian qua Nhà nước đã có những chương trình, dự án cụ thể để đầu tư phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, rất cần một Chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa trong thời gian tới “Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022 - 2030”, theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy...