Tham dự phiên khai mạc Diễn đàn năm nay còn có Tổng thống Timor-Leste, Tổng Thư ký ASEAN, Phó Thủ tướng Lào, Phó Thủ tướng Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Timor-Leste và đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Về phía Việt Nam, có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động để ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới |
3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến những biến động sâu sắc với các thách thức và cơ hội đan xen. Các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn trước. Thế giới ngày nay đang đứng trước các xu thế: phân cực hóa về chính trị; già hóa về dân số; cạn kiệt về tài nguyên; đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ; số hóa mọi hoạt động của con người. Bối cảnh đó đặt ra nhiều bài toán khó nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội hiếm có để ASEAN khẳng định vị thế và bứt phá vươn lên.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP vượt 10 nghìn tỷ USD, theo Thủ tướng, ASEAN không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng mà còn cần có tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động. Cụ thể, ba ưu tiên chiến lược về đoàn kết, tự cường và bản sắc, bao gồm:
Thứ nhất, củng cố một ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Một ASEAN tự chủ chiến lược là một ASEAN đồng thuận và đoàn kết, đồng thời cân bằng, linh hoạt trong mọi quan hệ đối ngoại; đóng vai trò tích cực trong định hình trật tự khu vực và đoàn kết, hợp tác quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. ASEAN cần đi đầu trong đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo; kết nối sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất chiến lược của thế giới.
Thứ ba, giữ vững giá trị và bản sắc của ASEAN như tinh thần đồng thuận, hài hòa, thống nhất trong đa dạng và tôn trọng sự khác biệt. Điều này không chỉ được tiếp tục phát huy mà còn là giá trị cần được ASEAN chia sẻ, lan tỏa rộng rãi để trở thành phương châm ứng xử chung của các nước trong quan hệ quốc tế.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN (ASEAN Future Forum - AFF) lần thứ 2 năm 2025 |
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu ba đột phá hành động bao gồm: Thứ nhất, xây dựng cơ chế ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn, bảo đảm vừa giữ nguyên tắc đồng thuận vừa có cơ chế đặc thù cho các sáng kiến chiến lược, tạo đột phá.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác công - tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực, nhất là các dự án trọng điểm; khuyến khích sự tham gia ngày càng lớn hơn của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội; loại bỏ hơn nữa các rào cản và hạn chế thương mại truyền thống; phát triển môi trường kinh tế số thông minh, an toàn để phục vụ thương mại, đầu tư trong ASEAN.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa kết nối, nhất là kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân và hài hòa hóa thể chế cho thông thoáng; nỗ lực rút ngắn hơn nữa quá trình ra quyết định và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính trong từng nước ASEAN để triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác.
Theo Thủ tướng, ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Việt Nam. ASEAN đã trở thành không gian chiến lược và môi trường phát triển tự nhiên của Việt Nam, trong khi Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc củng cố đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm và thúc đẩy phát triển bền vững của ASEAN.
Trong bối cảnh ASEAN và Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ vào sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần hợp tác, vào sức sống và giá trị chiến lược của ASEAN.
“Chúng tôi cam kết là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường, cùng nhau hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực, cùng các nước thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào trong hành trình phát triển của ASEAN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN (ASEAN Future Forum - AFF) lần thứ 2 năm 2025 |
Duy trì sự đoàn kết, bao trùm và tự cường
Tại diễn đàn, bày tỏ lo ngại trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình địa chính trị toàn cầu trong vài tuần qua, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, những sự kiện mang tính bước ngoặt này cho thấy thế giới đang ở một ngã rẽ quan trọng, đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải về tương lai quan hệ giữa các cường quốc và trật tự quốc tế hậu Thế chiến thứ hai, cụ thể là vai trò và chức năng của Hiến chương Liên hợp quốc và Luật quốc tế.
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chào mừng |
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng là các tổ chức khu vực như ASEAN phải khẳng định vai trò và năng lực của mình trong việc đảm bảo tính bền vững của các quy tắc và chuẩn mực đã được thiết lập. Đồng thời, ASEAN cần duy trì sự đoàn kết, bao trùm và tự cường trước những biến động mới đang diễn ra.
Phó Thủ tướng khẳng định đó cũng chính là lý do tại sao Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”.
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, nếu như đoàn kết là điểm mạnh lớn nhất của ASEAN, thì tự cường là lời kêu gọi hành động, phản ánh khả năng của ASEAN trong việc ứng phó với những bất ổn toàn cầu và các cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, tính bao trùm đảm bảo rằng sự phát triển của ASEAN là công bằng, không có quốc gia hay nhóm nào bị bỏ lại phía sau. Điều này cũng có nghĩa là ASEAN sẽ không đứng về bên nào, mà sẽ làm bạn và đối tác với tất cả, đóng vai trò là cầu nối cho đối thoại và hợp tác giữa các bên.
“Tôi tin rằng đoàn kết, bao trùm và tự cường chính là những yếu tố then chốt giúp ASEAN vững vàng vượt qua bối cảnh toàn cầu đầy biến động hiện nay”, Phó Thủ tướng khẳng định.