Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, bè phái
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cán bộ và công tác cán bộ, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ đã trở thành kim chỉ nam, bài học vô cùng quý giá cho Đảng, Nhà nước ta trong việc chỉ đạo, xây dựng cán bộ trong thời kỳ cách mạng cũng như công cuộc đổi mới hiện nay. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật Nhà nước được đề cao…
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, yếu kém, bất cập. Trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học “Hành trình khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”, bà Ninh Thị Hồng (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, để tạo được bước đột phá trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) vững mạnh đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới cũng như thích ứng với những biến động của tình hình mới trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ, CCVC về đạo đức cách mạng; chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, vai trò lãnh đạo của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Đây là giải pháp nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về công tác cán bộ và quản lý cán bộ của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sáng tạo và bảo vệ cán bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái.
Bà Ninh Thị Hồng cũng cho rằng cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy vai trò của dân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, CCVC. Đối với cán bộ, CCVC tốt, tiêu biểu, tiên tiến thì kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ để họ phát huy thành tích, năng lực của mình hơn nữa. Đối với các cán bộ, CCVC vi phạm đạo đức, pháp luật thì phải có biện pháp giáo dục, răn đe, xử lý, đồng thời cũng phải giúp đỡ để họ thấy được khuyết điểm của mình. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, đơn giản, dễ hiểu để người dân phát huy vai trò giám sát của mình đối với việc thi hành nhiệm vụ của cán bộ, CCVC.
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
Nhấn mạnh tới công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, CCVC, bà Ninh Thị Hồng cho rằng, thực tiễn cho thấy, vẫn còn không ít trường hợp cán bộ, CCVC do kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ nên dần bị tha hóa, biến chất, suy thoái tư tưởng, đạo đức, phẩm chất chính trị… Đồng thời, thông qua kiểm tra, giám sát cũng là biện pháp giáo dục, góp phần chủ động ngăn ngừa vi phạm và cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe đối với mọi cán bộ, giúp phát hiện kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm, những sai phạm để có biện pháp giáo dục, điều chỉnh, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động công vụ nói chung. “Công tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, công tâm, khách quan, gắn với thi hành kỷ luật đảng”, bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Thị Hồng Thúy (Trường Đại học Luật Hà Nội), để công tác cán bộ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới cần phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Cụ thể, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kịp thời thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ.
Bà Nguyễn Thị Yến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là nhân tố kết nối, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp sức cùng nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do đó, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đã đưa ra quan điểm chỉ đạo cụ thể về nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Một mặt, các tổ chức đảng cần tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu; mặt khác, mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng. Đây là mối quan hệ hai chiều giữa tổ chức đảng và đảng viên, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở Việt Nam hiện nay.