Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới công tác quản lý, tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân. “Phân cấp, phân quyền thì phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát đầu ra. Hiện nay chúng ta đang tập trung kiểm soát đầu vào. Đặc biệt phải phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân. Vấn đề là chúng ta có cơ chế chính sách để cho họ phát huy tối đa năng lực sáng tạo, tính chủ động. Đây là cơ chế chính sách, đây là việc Nhà nước phải làm” - Thủ tướng nêu rõ.
Nghị quyết 42 đặt mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế…
Phân tích những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những điểm mới mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện. Đặc biệt là nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò chính sách xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội, bảo đảm đồng bộ thống nhất khả thi phù hợp và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Quan tâm hơn nữa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công; tiếp tục nâng cao mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi để có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe nhà ở, giáo dục đào tạo, việc làm, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết 42. Đó là tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường).