Để đáp ứng yêu cầu phát triển sau giải phóng, chủ trương hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh đã được Bộ Chính trị ra nghị quyết từ ngày 20/9/1975. Ngày 1/5/1976, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã công bố ra mắt trước nhân dân trong tỉnh tại quảng trường Phu Văn Lâu.
Sau 14 năm, vào ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Kể từ ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được tái lập, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dựng xây và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TT-Huế, Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi lễ |
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TT-Huế, Lê Trường Lưu cho biết, 30 năm đã qua kể từ ngày tái lập là những năm nỗ lực kiên trì và phấn đấu không ngừng nghỉ với nhiều thuận lợi đồng hành nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Những thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, cũng như về trình độ và chất lượng; tạo thế và lực mới cho Thừa Thiên Huế trên con đường phát triển và hội nhập.
Hiện nay, nền kinh tế của tỉnh đến nay đã tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.788,5 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh cũng đã phát huy và khẳng định vị thế 4 trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác xoá đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, đồng bộ, có chiều sâu trên diện rộng. Toàn tỉnh hiện nay chỉ còn 5,03% hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa,..
Lãnh đạo tỉnh trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể đã đạt những thành tích xuất sắc trong công tác. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc mừng, biểu dương những kết quả to lớn, toàn diện của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.
Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước…
Tại buổi lễ, Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Dịp này, 7 tập thể vinh dự nhận đón nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích xuất sắc trong công tác.