Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”: Để giá trị văn hóa của Người sống mãi

(PLVN) - Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là hoạt động nhằm mục đích lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để hình thành trong tâm trí của mỗi người dân tình yêu, sự kính trọng với Bác Hồ và giá trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức... của Người sống mãi trong mỗi trái tim người dân.
Để xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” rất cần sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân TP HCM. (Ảnh minhh họa - Nguồn: Báo TT).
Để xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” rất cần sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân TP HCM. (Ảnh minhh họa - Nguồn: Báo TT).

Một trong những nội dung cốt lõi để phát triển văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) là nơi vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại thành phố phương Nam này, dấu ấn của Người in đậm qua nhiều di tích văn hóa lịch sử đặc biệt như: Bến cảng Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh... Tại cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị với Thành ủy TP HCM chuẩn bị cho Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: TP HCM cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên của Người.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, việc hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” sẽ làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào người dân thành phố và trở thành nguồn sức mạnh đặc thù của nhân dân, cộng đồng. Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Xây dựng TP HCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.

Điều này có nghĩa rằng, TP HCM sẽ dần hình thành một không gian văn hóa mang tên Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng, gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của người dân thành phố mang tên Bác. Tức là, trên cơ sở đặc điểm về điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử, tập quán của mình, người dân thành phố sẽ tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành giá trị riêng của người dân thành phố.

Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ thành phố, ngày 22/3/2021, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 982/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển ngành Văn hóa TP HCM giai đoạn 2020 - 2035”, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung cốt lõi để phát triển ngành Văn hóa của thành phố.

Trong gần ba năm qua, các cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể chính trị, đông đảo các tầng lớp Nhân dân TP HCM đã tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa rộng rãi như xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác, ươm mầm, nuôi dưỡng về mặt tư tưởng để từ đó nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, chương trình nghệ thuật về Bác như thơ ca, nhạc, kịch, điện ảnh, cải lương... đi vào lòng người.

Không chỉ là chủ trương chung của thành phố, mà mỗi đơn vị, cá nhân, tổ chức trên địa bàn cũng là các thành tố quan trọng để cùng nhau xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Đơn cử như tháng 7/2022, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP HCM, Học viện Cán bộ TP HCM và Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng đã khánh thành và bàn giao công trình không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi” và sân chơi thiếu nhi tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP HCM. Công trình được xem như một bảo tàng thu nhỏ, giúp các em thiếu nhi huyện Củ Chi, thiếu nhi xã Nhuận Đức có không gian để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấu hiểu tình yêu bao la mà Bác Hồ dành cho các thế hệ thiếu niên, nhi đồng, học hỏi những tư tưởng, đạo đức và phong cách cao đẹp của Người.

Một góc TP Hồ Chí Minh ngày nay. (Nguồn ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP HCM).

Một góc TP Hồ Chí Minh ngày nay. (Nguồn ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP HCM).

Tháng 5/2023, Đại học (ĐH) Quốc gia TP HCM tổ chức Lễ khánh thành Phòng trưng bày thực tại mở rộng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với 5 chủ đề gắn với cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc; Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên, nhân sĩ trí thức và sự nghiệp trồng người; Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam; và ĐH Quốc gia TP HCM học tập và làm theo làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng cách ứng dụng công nghệ, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP HCM được xây dựng độc đáo, sáng tạo trên 3 nền tảng: Ứng dụng triển lãm 3D trên nền tảng web; Thể hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường thực tại ảo 3 chiều với kính thực tại ảo để tham quan (3D Virtual Reality); và Ứng dụng tương tác tự nhiên trong không gian tham quan (sử dụng camera độ sâu), mang lại hiệu ứng sinh động, tạo cảm giác thú vị, hấp dẫn người dùng khi tham quan, trải nghiệm. Trong quá trình tham quan triển lãm, qua các ứng dụng công nghệ, người xem có thể vừa xem tranh, vừa thưởng thức những ca khúc viết về Bác và có thể đọc trực tuyến các nội dung toàn văn tài liệu, đề tài nghiên cứu, sách, phim tư liệu… viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang “Cơ sở dữ liệu Tư liệu Hồ Chí Minh”.

Tháng 10/223, Kho bạc Nhà nước quận 3 đã chính thức ra mắt “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trưng bày nhiều tư liệu sách về Bác được xuất bản từ năm 1972 đến nay, những mô hình địa danh liên quan đến cuộc đời cũng như các tác phẩm nổi tiếng của Người. Bên cạnh đó, đơn vị cũng dành một khoảng không gian để kể lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và đặc biệt hành trình hơn 30 năm tìm đường cứu nước của Bác; đưa những câu nói, lời dạy của Bác vào không gian để nhắc nhở cán bộ, công chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phong cách sống và làm việc theo gương Bác. “Không gian văn hóa Hồ Chính Minh” được Kho bạc Nhà nước quận 3 ứng dụng số hóa các tư liệu về Bác thông qua mã QR gắn với các đường dẫn hiện có trên các trang mạng, các tư liệu âm thanh như các ca khúc về Bác, Tuyên ngôn Độc lập, thơ Chúc tết… qua audio để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu về Người...

Thấm nhuần tư tưởng của Người ở mỗi con người, mỗi hành động

Lễ khánh thành Phòng trưng bày thực tại mở rộng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ĐH Quốc gia TP HCM tháng 5/2023. (Nguồn ảnh: Báo VH).

Lễ khánh thành Phòng trưng bày thực tại mở rộng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ĐH Quốc gia TP HCM tháng 5/2023. (Nguồn ảnh: Báo VH).

Là thành phố mang tên Bác, mong muốn của lãnh đạo thành phố cũng như từng người dân là việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không đơn thuần ở các không gian vật lý về con người, sự nghiệp của Hồ Chí Minh mà còn làm sao để thấm nhuần tư tưởng của Người ở mỗi con người, mỗi hành động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố. Để được vậy, thì việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” từ chính những công việc mỗi ngày của cán bộ, đảng viên, người dân thành phố là rất quan trọng. Hay nói cách khác, để hiện thực hóa một “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên một không gian rộng lớn của TP HCM rất cần sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng.

Cụ thể, thay vì “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” bị bó hẹp trong phạm vi qua góc đọc sách, phòng trưng bày tại các cơ quan tổ chức như hiện nay, tới đây cần tiến tới xây dựng nhiều “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” mở, thu hút đông đảo người dân tham gia thông qua việc tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những hình ảnh đời thường, bình dị, trong sáng trong cuộc sống, trong hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó xây dựng, hình thành trong tiềm thức, tư tưởng của mỗi người dân về hình ảnh Bác Hồ luôn thân quen, gần gũi, gắn bó.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, việc phát triển “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của thành phố còn gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, nhấn mạnh đạo đức công vụ và các hoạt động phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là ý thức thực hiện các biểu hiện đạo đức cách mạng gồm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư luôn được tự giác thực hiện và xem đó là công việc thường xuyên của tất cả mọi người, chứ không cần cân nhắc điều đó có lợi gì cho bản thân thì mới thực hiện.

Đối với học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước, cần nghiên cứu, xây dựng một chương trình giáo dục ở các bậc học, cấp học về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và đặc biệt là lòng nhân ái, bao dung, nghĩa tình, yêu thương con người của Bác...

Đọc thêm