Xây dựng Lực lượng dự bị động viên: Cần tính toán đến chiến tranh hiện đại

(PLVN) - Hôm qua (11/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Vấn đề nhiều ĐB băn khoăn là quy định về tỷ lệ dự phòng từ 10% đến 15% (khoản 2 Điều 14) để bảo đảm tính khả thi vì còn liên quan đến kinh phí, vũ khí, khí tài mà chúng ta trang bị, dự phòng
Hình minh họa
Hình minh họa

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng lưu ý về các trường hợp huy động lực lượng DBĐV (Điều 25) quy định đến cấp huyện cần cân nhắc kỹ vì đây không phải liên quan đến trưng thu, trưng mua mà là huy động lực lượng đảm bảo điều phối chung và thống nhất khu vực phòng thủ. “Nếu như chủ tịch tỉnh cũng điều động, chủ tịch huyện cũng điều động thì tính làm sao?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Liên quan đến việc phát sinh thêm ngân sách khi thực hiện luật, một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể về tác động của các chính sách trong đề nghị xây dựng luật, đồng thời cần báo cáo cụ thể hơn việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng DBĐV. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, luật cho rằng không phát sinh thêm chính sách mới nhưng việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng DBĐV; chưa kể số dự phòng quân số từ 10% đến 15%, đã có quân số thì phải có trang thiết bị vũ khí kèm theo như vậy là chính sách mới và có tăng tiền chứ không phải không tăng tiền.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi truyền thống, tức là chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao, tác chiến điện tử. “Với tư duy mới về chiến tranh hiện đại như thế nhưng tôi đọc trong dự thảo luật này các quy định chưa thực sự bám sát tư duy mới. Vẫn xoay quanh phạm trù chiến tranh truyền thống mà chưa tiếp cận với việc chúng ta phải xây dựng lực lượng dự bị động viên mới trước yêu cầu nếu có chiến tranh hiện đại mà chúng ta dự báo”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu xây dựng luật cần phải chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phải minh bạch cụ thể. “Nhưng trong này, cả dự thảo luật có 47 điều nhưng đã giao Chính phủ hướng dẫn 7 điều, giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn 6 điều tức là 26,7% trên tổng số điều luật. Đây là tỷ lệ lớn. Cho nên cần nghiên cứu thêm để quy định ngay trong luật những nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc tăng ngân sách hơn 500 tỷ đồng là số tiền không lớn, tuy nhiên chính sách phải phù hợp với chủ trương mới và tương đồng với chính sách các luật chuyên ngành khác, đừng để cái này gây mâu thuẫn với cái kia. 

Đọc thêm