Xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh: Vì một cuộc sống không còn những nỗi đau hậu chiến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, năm 2023 sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 7.
VNMAC tặng quà các em học sinh Trường Tiểu học Vạn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh VNMAC)
VNMAC tặng quà các em học sinh Trường Tiểu học Vạn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh VNMAC)

Tai nạn thời bình

Vừa qua tại làng Kon Đao Yốp (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) đã xảy ra vụ tai nạn nổ đầu đạn thương tâm, khiến 2 người tử vong, 3 người phải nhập viện. Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 25/3/2023, anh A Nhi (24 tuổi, trú tại làng Kon Đao Yốp, xã Đăk Long) chở theo một đầu đạn từ rẫy mì về nhà bố vợ ở cùng làng. Sau đó, anh A Nhi dùng rựa tác động mạnh vào đầu đạn khiến đầu đạn phát nổ. Tai nạn khiến anh A Nhi tử vong tại chỗ. Bốn người khác là vợ anh 22 tuổi, con trai 4 tuổi; em vợ 11 tuổi và một người họ hàng bị thương nặng phải cấp cứu. Đến 19 giờ cùng ngày, vì vết thương quá nặng nên cháu bé đã tử vong…

Trước đó, sự việc tương tự xảy ra tại thôn 5, xã Đăk Cấm, TP Kon Tum. Vào khoảng 12h ngày 23/10/2017, trong lúc đi câu cá, ông A Then (46 tuổi) đã nhặt được một đầu đạn, sau đó mang về nhà tự ý đập, tháo đầu đạn. Đạn phát nổ khiến ông A Then tử vong tại chỗ. Vợ ông (45 tuổi) tử vong trên đường đi cấp cứu. Hai cháu bé bị thương nặng.

Hơn 20 năm trước, như bao người nông dân chất phác khác, ông Nguyễn Đức Dân (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) ngày ngày vác cuốc ra đồng, tối đến sum vầy bên gia đình. Nhưng năm 2000, trong khi đang làm đồng, một vụ nổ từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã khiến ông bị cụt hai bàn tay. Nhiều năm qua, trong giấc ngủ của ông vẫn vang rền tiếng nổ và cũng từng ấy thời gian ông không còn làm được công việc đồng áng giúp vợ con.

Ngay tại Hà Nội, một vụ nổ xảy ra ngày 19/3/2016 tại cửa hàng thu mua phế liệu ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) do người chủ cửa hàng vô tình mang vật liệu nổ ra vỉa hè để cưa và phát nổ. Tai nạn khiến gia đình trẻ của chị Nguyễn Thị Lệ ở xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) phải gánh chịu hậu quả thảm khốc. Sau hai năm sống thực vật với nhiều vết thương nặng, chị Lệ đã qua đời ngày 21/2/2018.

Và như thế, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của cuộc chiến vẫn còn đó. Không chỉ để lại hậu quả nặng nề về con người, chiến tranh còn có sức tàn phá ghê gớm đối với môi trường. Cùng với chất độc hóa học, bom mìn đã rải xuống các vùng miền của Việt Nam, hủy hoại môi trường sống của con người và thiên nhiên. Hàng trăm nghìn tấn bom đạn, chất độc hóa học vẫn còn sót lại ở cả thành thị và nông thôn, biên giới, hải đảo, đồng ruộng và sông ngòi.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1975 đến nay, đã có hơn 40.000 người tử vong và 60.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra, chưa kể hậu quả chất độc da cam. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tích, thương tật suốt đời.

Nhiều chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn

Thống kê đến năm 2022, tổng số diện tích còn ô nhiễm do bom mìn rất lớn, khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích đất cả nước. Do đó, phải cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống an toàn cho nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hiện cả nước có trên 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine.

Vừa qua, Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 (hay Ngày quốc tế nâng cao nhận thức về bom mìn) có nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức khắp nơi trên thế giới như một lời cam kết của Liên Hợp quốc trong các nỗ lực vì một thế giới không bom mìn và tàn dư của chất nổ sau chiến tranh.

Ngày 17/2/2023, Ban Chỉ huy quân sự huyện Krông Bông phối hợp với lực lượng công binh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk) đã kích nổ an toàn một quả bom. (Ảnh Internet)

Ngày 17/2/2023, Ban Chỉ huy quân sự huyện Krông Bông phối hợp với lực lượng công binh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk) đã kích nổ an toàn một quả bom. (Ảnh Internet)

Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ an sinh cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho biết, năm 2022, toàn quốc đã khảo sát hơn 35.000ha, rà phá bom mìn được hơn 27.000ha. Trong đó, các tổ chức quốc tế đã khảo sát được gần 7.000ha, rà phá bom mìn được 4.800ha; các đơn vị trong nước đã khảo sát được hơn 28.000ha; rà phá bom mìn được hơn 22.200ha.

Trong năm qua, VNMAC cũng tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế nâng cao nhận thức về bom mìn năm 2022, tuyên truyền về thực trạng và hậu quả nhằm giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân tại Lạng Sơn và Tây Ninh. Đồng thời, đơn vị phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Trung tâm triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP), đã thống kê được hơn 6.400 nạn nhân bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định.

VNMAC cũng tham gia các hoạt động về hành động bom mìn của Liên Hợp quốc, ASEAN và các tổ chức quốc tế, chủ trì hoạt động của các nhóm công tác bom mìn tại Việt Nam; mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng, thực hiện hợp tác hiệu quả, thiết thực; ký kết và thúc đẩy các bên thực hiện bản ghi nhớ đã ký trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

Đơn vị cũng triển khai nhiều dự án quan trọng như: “Rà phá bom mìn giai đoạn 3 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; “Thí điểm Quy trình và Bộ công cụ quản lý rủi ro đối với hành động bom mìn tại Việt Nam”; “Hệ thống quản lý thông tin trong khắc phục hậu quả bom mìn” giai đoạn 2020 - 2023; “Điều phối và cung cấp cố vấn kỹ thuật cấp cao cho VNMAC” theo kế hoạch, an toàn, chất lượng.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2023 là triển khai kế hoạch xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Cụ thể, ban soạn thảo sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng pháp lệnh trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tháng 7 năm nay.

Trong năm 2023, VNMAC thu thập dữ liệu chuẩn bị báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025, đề xuất Chương trình giai đoạn 2025 - 2045, định hướng đến 2050…

Các cơ quan liên quan cũng nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện và triển khai dự án “Hành động bom mìn vì Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” giai đoạn 2023 - 2026. Đây là dự án từ nguồn tài trợ từ Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), với dự kiến xây dựng 3 làng hòa bình tại Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định. Ngoài ra còn một số dự án từ các nguồn tài trợ khác nhau như “Hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật rà phá bom mìn”; Khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, “Đội quản lý chất lượng trong khắc phục hậu quả bom mìn”...

Cũng theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại Hà Giang đã rà phá được hơn 1.000ha tại các huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc.

Tuy nhiên, số lượng thống kê chính thức chưa có vì còn khó khăn trong xác định ADN danh tính các liệt sĩ. Trong khi chờ Quốc hội phê duyệt dự án khác, lực lượng vũ trang Quân khu 2, tỉnh Hà Giang tận dụng nguồn lực tiếp tục tìm kiếm, rà phá bom mìn.

Thiếu tướng Nguyễn Thành Định, Phó Chủ tịch Hội Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết, thời gian qua Hội đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn, như tặng bò giống, hỗ trợ sinh kế, tặng xe đạp cho học sinh... Ông mong muốn các nhà hảo tâm, tổ chức chung tay hỗ trợ người dân vượt qua hậu quả bom mìn sót lại.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Chính phủ rất nỗ lực trong cải thiện đời sống người khuyết tật, nạn nhân bom mìn. Chẳng hạn, mức chuẩn trợ giúp xã hội đã tăng thêm 90.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng. Các nhân viên công tác xã hội tại các tỉnh, thành sẽ giúp nạn nhân bom mìn tìm được việc làm ổn định.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ LĐ-TB&XH triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.

Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Những dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bom mìn, gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội”.

Đọc thêm