Nhiều giải pháp phát huy hiệu quả công tác bình đẳng giới
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa, thông qua việc thực hiện các mô hình giúp người dân tại cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới, đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã lựa chọn địa điểm và xây dựng “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh”, trong đó có 465 “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” đạt các tiêu chí hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.
Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được triển khai như: tổ chức 12 lớp truyền thông gắn tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 960 cán bộ và người dân tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống, Như Thanh và Quảng Xương; mô hình “Truyền thông tư vấn về bình đẳng giới cho thanh niên và vị thành niên” tại các Trường THPT trên địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc và Lang Chánh; mô hình “Thành phố/Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân và thành phố Sầm Sơn; triển khai mô hình “Cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Bảo trợ xã hội số 2; mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội...
Cũng như Thanh Hóa, thời gian qua, nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả công tác bình đẳng giới đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em được tăng cường thông qua phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp dịch vụ và duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực giới ở các cấp; phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và bạo lực giới được thực hiện nghiêm minh. Tỉnh đã triển khai 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2023; triển khai hiệu quả mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương”; phát huy mô hình phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm công tác xã hội, Sở LĐ-TB&XH và duy trì, kết nối với hệ thống 16 văn phòng công tác xã hội cấp huyện, xã, trường học, bệnh viện; 793 CLB phòng, chống bạo lực gia đình; 1.893 cộng tác viên tại thôn, bản, khu phố; 1.572 tổ hòa giải ở cơ sở; 1.349 cơ sở khám, chữa bệnh có nơi bố trí hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; 266 cơ sở bảo trợ xã hội; 331 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhằm phát hiện, tư vấn, trợ giúp kịp thời nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới...
Xây dựng cơ chế vận động hiệu quả
Từ những ví dụ trên, có thể thấy để phát huy hiệu quả công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới thì vấn đề nâng cao nhận thức và năng lực về lồng ghép quyền của phụ nữ và trẻ em trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình và chính sách liên quan là rất quan trọng. Đó cũng là mục tiêu hướng tới đã được các đại biểu nhất trí tại Hội thảo tham vấn của Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) vừa được Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động của ACWC tổ chức cuối tháng 9/2023.
Theo bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, đại diện ACWC về Quyền Phụ nữ của Việt Nam, ACWC đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua việc thực hiện các Kế hoạch công tác 5 năm (giai đoạn 2012 - 2016 và 2016 - 2020) với các hoạt động về thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới, xóa bỏ tất cả hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em cũng như giải quyết những vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Trong hai năm 2022 - 2023, ACWC Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, dự án thực hiện mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, trong đó nổi bật là việc tổ chức các cuộc họp khu vực về thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, hội thảo về phòng, chống bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng…
Kế hoạch hành động của ACWC giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm 29 hoạt động/dự án do các nước thành viên ASEAN chủ trì, tập trung vào các lĩnh vực sau: phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; mua bán phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em di cư; bảo vệ trẻ em; phụ nữ, hòa bình và an ninh; tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em trước những tác động của biến đổi khí hậu và nền công nghiệp 4.0) cho thấy tập trung vào tăng cường sự hỗ trợ đối với các vấn đề về phụ nữ và trẻ em thông qua cơ chế vận động hiệu quả; xây dựng quan hệ đối tác; nâng cao nhận thức và năng lực về lồng ghép quyền của phụ nữ và trẻ em trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình và chính sách liên quan...
Theo bà Trần Thị Bích Loan, trong giai đoạn 2023 - 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng lộ trình thực hiện Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN; phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và UN Women thảo luận về việc chủ trì dự án “Công bằng và Bình đẳng: Chuyển đổi việc tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong ASEAN trong quá trình phục hồi sau COVID-19”; tiếp tục triển khai hoạt động về “Khung giám sát và đánh giá của ACWC về áp dụng các phương pháp tiếp cận tập trung vào nạn nhân và có nhạy cảm giới trong các trường hợp mua bán người”…
Internet và các thiết bị kỹ thuật số ngày càng hiện diện nhiều hơn và có tầm quan trọng trong cuộc sống của trẻ em. Việt Nam có trên 24,7 triệu trẻ em, phần lớn các em được tiếp cận và sử dụng các thiết bị kết nối Internet. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian trẻ dùng Internet lên tới 6 - 7 giờ mỗi ngày. Độ tuổi trẻ em Việt Nam sử dụng Internet đang ngày càng trẻ hoá, đa số bắt đầu sử dụng chủ động từ 9 - 11 tuổi, trong khi phần lớn các em chưa được tiếp cận và trang bị các kiến thức, kỹ năng để phòng, chống các nguy cơ tác động tiêu cực và tự bảo vệ trên mạng.
Ngày 27/9/2023, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa ra mắt CLB Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) có sự tham gia của 11 thành viên ban đầu, là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. CLB sẽ là “cánh tay nối dài” của các cơ quan nhà nước với mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.