Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam
Theo Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mối quan hệ cơ bản, lớn nhất và có tính chất bao trùm, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Đây là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam phản ánh quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam là dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là phát triển toàn diện, vững mạnh tất cả các yếu tố cấu thành hình thái kinh tế - xã hội XHCN về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để nước ta trở thành một nước XHCN phồn vinh, nhân dân có cuộc sống tự do, hạnh phúc; một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bảo vệ Tổ quốc XHCN là sử dụng tổng hợp các lực lượng và các biện pháp chống lại sự xâm phạm, phá hoại dưới mọi hình thức để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Bảo vệ Tổ quốc hiện nay được xác định một cách toàn diện là bảo vệ cả mặt tự nhiên - lịch sử và mặt chính trị - xã hội, là đảm bảo cả an ninh sinh tồn và an ninh phát triển của đất nước trong một chỉnh thể thống nhất.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài cho rằng, mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN là khách quan, tất yếu, thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo tiền đề, điều kiện cho nhau, cùng hướng tới một mục tiêu chung là độc lập, tự do, hạnh phúc. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được mới có đất nước để xây dựng; có giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định mới có điều kiện để xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước; bảo vệ được Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ nền văn hóa dân tộc mới có tiền đề, điều kiện để xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN.
Ngược lại, có xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao sức mạnh tổng hợp, thế và lực của đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân mới có nguồn lực để đầu tư củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; tăng cường được sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tạo được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế…
Xác định hình thức hợp tác, đấu tranh thích hợp
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để tiếp tục nhận thức và xử lý tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cần phải nắm vững và thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu. Trước hết, cần tiếp tục nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, giữa hợp tác và đấu tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. “Khi đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng thì mối quan hệ giữa các đối tác – đối tượng càng trở nên đa dạng, phức tạp và có những hình thức thể hiện mới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Cần có cách nhìn biện chứng về đối tác – đối tượng để xác định những hình thức thích hợp trong hợp tác và đấu tranh. Không được mơ hồ, mất cảnh giác để đất nước bị bất ngờ, thậm chí bị bất ngờ chiến lược nhưng cũng không được cứng nhắc trong nhận thức, xử lý các tình huống để mất cơ hội phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tài khẳng định.
Hai là, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh. Thực hiện kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng và an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước và trên từng địa phương, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng trong việc quy hoạch và phát triển các vùng kinh tế, các ngành công nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế gắn với yêu cầu bảo đảm an ninh làm cơ sở cho những chủ trương cụ thể. Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, coi đây vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của hội nhập kinh tế quốc tế, là giải pháp có tính quyết định để nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới.
Ba là, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tiếp tục hiện thực hóa tư duy mới của Đảng về mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ hoạt động đối ngoại trong tình hình mới. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của các cấu trúc khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Bốn là, kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho phù hợp với bối cảnh mới của hội nhập quốc tế. Để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện hội nhập quốc tế, một trong những vấn đề đặt ra là thể chế hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ này thông qua hệ thống luật pháp, chính sách, chế tài phù hợp nhằm giải quyết đúng đắn mối quan hệ này. Xây dựng cơ chế phù hợp để các ngành, các cấp, mọi tổ chức và lực lượng thực hiện có hiệu quả việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế.
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam, là vấn đề có tính quy luật của sự tồn tại và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn này có ý nghĩa định hướng cho việc xử lý các mối quan hệ khác nhằm đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.