Năm yêu cầu quan trọng
Bảo vệ Hiến pháp là vấn đề cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nói riêng. Bởi lẽ, “Hiến pháp ấn định hình thức Nhà nước của quốc gia, ấn định các cơ quan điều khiển quốc gia, cùng những thẩm quyền của các cơ quan ấy. Hiến pháp là văn bản phản ánh tổ chức chính trị của quốc gia”. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp là tổng thể các yếu tố có quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau, hình thành một hệ thống và sự vận hành của hệ thống đó để tiến hành hoạt động bảo vệ Hiến pháp, nhằm bảo đảm sự tôn trọng Hiến pháp, ngăn ngừa và xử lý mọi hành vi vi phạm Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp bao gồm ba yếu tố là thể chế, thiết chế và phương thức vận hành bảo vệ Hiến pháp.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt tay lên bản Hiến pháp và tuyên thệ. |
Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phản ánh bản chất, đặc trưng của Nhà nước XHCN Việt Nam, chứa đựng những giá trị phổ biến của văn minh nhân loại, đồng thời phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra một số yêu cầu đối với cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Thứ nhất, bảo đảm tính chuyên trách và độc lập của cơ quan bảo vệ Hiến pháp. Cơ quan bảo vệ Hiến pháp là yếu tố trung tâm của cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để cơ chế này vận hành đạt được mục đích bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cơ quan bảo vệ Hiến pháp phải có vị trí độc lập nhất định với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, hoạt động mang tính chuyên trách với những chức năng, nhiệm vụ riêng.
Thứ hai, thể chế về bảo vệ Hiến pháp phải bao gồm những nguyên tắc chính trị pháp lý hiến định và những quy định trong hệ thống văn bản đồng bộ, nhất quán và rõ ràng. Hệ thống thể chế về bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam bao gồm các nguyên tắc, quy phạm đồng bộ, thống nhất, xác định mục tiêu, định hướng và tạo lập cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, vận hành cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Thứ ba, phương thức vận hành của cơ chế bảo vệ Hiến pháp phải phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền của cơ quan bảo vệ Hiến pháp. Để tiến hành các hoạt động bảo vệ Hiến pháp, đặc biệt là hoạt động phán quyết và xử lý những văn bản và hành vi vi hiến trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN phải tổ chức và hoạt động theo phương thức riêng, khác với phương thức của các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Thứ tư, cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tuân thủ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một bộ phận trong cơ chế tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước và là bộ phận quan trọng để bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Thông qua các hoạt động giải quyết tranh chấp và vi phạm hiến pháp liên quan đến việc thực hiện quyền lực nhà nước, xử lý những sai lầm, lệnh lạc, đe dọa thể chế chính trị, đe dọa chủ quyền quốc gia, cơ chế bảo vệ Hiến pháp góp phần hết sức to lớn bảo đảm thống nhất quyền lực nhà nước.
Thứ năm, bảo đảm sự lãnh đạo hợp hiến của Đảng Cộng sản đối với cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Là một bộ phận trong bộ máy nhà nước, cơ chế bảo vệ Hiến pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo hợp hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN thể hiện trước hết ở việc các văn kiện, nghị quyết của Đảng đề ra những quan điểm chỉ đạo đối với hoạt động bảo vệ Hiến pháp và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quá trình thể chế hóa cương lĩnh, đường lối của mình thành pháp luật. Thông qua đó, Đảng lãnh đạo việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ bảo đảm những nguyên tắc, quy phạm về bảo vệ Hiến pháp thể hiện một cách đầy đủ và đúng đắn những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hoạt động bảo vệ Hiến pháp mà còn bảo đảm rằng những nguyên tắc, quy phạm đó thể hiện một cách trung thực và toàn diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng có trọng tâm, trọng điểm
Để tăng cường bảo vệ Hiến pháp ở nước ta hiện nay cần quán triệt quan điểm về hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”..., “hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp”.
Thực hiện chủ trương nêu trên, quá trình hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp phải bảo đảm các yêu cầu đối với cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Quá trình đó cần được tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thích hợp, vừa bảo đảm tính liên tục của cơ chế bảo vệ Hiến pháp, vừa tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.
Cần tiến hành với các giải pháp trước mắt và lâu dài để hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam như sau:
Đầu tiên, cần tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ Hiến pháp của Quốc hội (QH) và các cơ quan của QH theo Hiến pháp năm 2013. Cụ thể là, xác định rõ về tính chất, phạm vi, thẩm quyền giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH. Theo đó, cần xác định QH có quyền “giám sát tối cao việc thi hành Hiến pháp”, UBTVQH “giám sát việc thi hành Hiến pháp”.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của QH, các cơ quan của QH để thực hiện có hiệu quả giám sát việc thi hành Hiến pháp và giám sát tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc cơ chế điều hành, phối hợp giữa các cơ quan của QH trong hoạt động giám sát việc thi hành Hiến pháp, giám sát tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng và thực hiện cơ chế trách nhiệm pháp lý đối với những cơ quan, cá nhân chậm trễ trong việc trình các báo cáo ra QH nhằm bảo đảm thời gian và chất lượng của hoạt động thẩm tra các báo cáo; chú trọng các thông tin độc lập, khách quan từ các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Giải pháp thứ hai là tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ Hiến pháp của Chủ tịch nước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước có quyền đề nghị UBTVQH xem xét tính hợp hiến đối với pháp lệnh do UBTVQH ban hành. Để Chủ tịch nước thực hiện được hoạt động này cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giúp việc cho Chủ tịch nước; bổ sung nhân sự, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Chủ tịch nước; chuyên môn hóa công tác tham mưu cho Chủ tịch nước xem xét tính hợp hiến của pháp lệnh.
Giải pháp thứ ba là cần tập trung thực hiện là quy định chi tiết và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ Hiến pháp của Chính phủ. Để Chính phủ thực hiện tốt việc kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật, cần lưu ý quy định rõ thời hạn tự kiểm tra và kiểm tra tính hợp hiến của văn bản văn bản theo thẩm quyền; xác định rõ các hình thức xử lý văn bản trái Hiến pháp cho phù hợp với Hiến pháp 2013.
Thứ tư, cần triển khai thực hiện quy định về trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND). Cụ thể, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức TAND như sau: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN…”. Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án chú trọng việc phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đối với Luật Tổ chức VKSND, cần bổ sung quy định: “Trong quá trình thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt đông tư pháp, VKS phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức”.
Về lâu dài, cần tăng cường giáo dục về Hiến pháp, nâng cao nhận thức về vai trò, tính chất của Hiến pháp, về cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật về bảo vệ Hiến pháp, trong đó quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp là Hội đồng Hiến pháp.
Hội đồng Hiến pháp có chức năng xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật của QH, Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước; nếu xét thấy có dấu hiệu vi hiến, Hội đồng Hiến pháp đề nghị QH và các cơ quan bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản vi hiến; Cùng với đó, xem xét tính hợp hiến của bản án, quyết định của TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC và VKSNDTC; nếu xét thấy bản án, quyết định đó trái với Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp yêu cầu các cơ quan hủy bỏ các quyết định, bản án đó. Thứ ba là xem xét tính hợp hiến của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chính phủ, đề nghị QH xem xét, quyết định. Thứ tư, xem xét tính hợp hiến của các cuộc trưng cầu ý dân. Thứ năm, ra văn bản yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng và tổ chức khác trong hệ thống chính trị thực hiện đúng, đủ và kịp thời các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp. Thứ sáu, giải thích chính thức Hiến pháp.