Công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật
Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (NQ 48). Nghị quyết là văn kiện đầu tiên của Đảng chuyên sâu về công tác pháp luật, với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đổi mới căn bản công tác xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân…
Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ 49). Đến nay, việc thi hành NQ 48, NQ 49 đạt nhiều kết quả quan trọng: Hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện và phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực; Chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL đã có thay đổi bảo đảm tính thống nhất cho cả Trung ương và địa phương, từng bước nâng cao tính công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật; vai trò tham gia của xã hội vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước được quy định cụ thể; pháp luật về hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật góp phần bảo đảm cho hệ thống văn bản pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ tra cứu, tiếp cận, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, hệ thống pháp luật thực định và đặc biệt là hệ thống VBQPPL ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tính đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, một số nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn; Tính dự báo, khả thi của hệ thống VBQPPL chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Nhiều dự án luật có vòng đời ngắn; Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý nhà nước.
TS. Phí Thị Thanh Tuyền. |
Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) và các thiết chế tổ chức THPL: Chưa có thể chế pháp lý đầy đủ cho công tác tổ chức THPL, cụ thể là chưa có Luật về tổ chức THPL. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chưa triệt để… Mặc dù đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật được đào tạo chính quy, bài bản, nhiệt tình, trách nhiệm, có trình độ, khả năng ngày càng phát huy vai trò trong xây dựng pháp luật tuy nhiên vẫn còn “mỏng”; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực pháp luật còn chưa thực sự được chú trọng, đặc biệt là phẩm chất chính trị và năng lực thực tiễn; thậm chí ý thức của người dân về vấn đề sử dụng pháp luật còn hạn chế.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy pháp luật
Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật mang những đặc trưng nêu trên, cần phải có định hướng và đặc biệt đưa ra các giải pháp cụ thể bảo đảm việc tổ chức thực thi.
Một là, cần thể chế hóa tư tưởng về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong điều kiện tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động bằng một Nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành.
Việc ban hành một “Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045” có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền giai đoạn mới. Nghị quyết mới ban hành có thể xây dựng trên cơ sở kế thừa cấu trúc của NQ 48, NQ 49 nhưng phát triển trên tinh thần khắc phục những điểm hạn chế của hai nghị quyết nêu trên, tiếp tục thực hiện các vấn đề mà hai nghị quyết trên đã nêu nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả và triệt để.
Hai là, cần đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng pháp luật theo hướng hệ thống pháp luật kiến tạo phát triển phù hợp với bối cảnh của Nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động.
Trong hơn ba mươi năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã không ngừng đổi mới tư duy làm luật, với mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật định hướng cho phát triển, nhưng do ảnh hưởng của tư duy cũ, trong xây dựng pháp luật vẫn còn tồn tại đâu đó tư duy làm luật là để quản lý, là để bảo đảm sự an toàn, thậm chí là sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước hơn là tạo dựng một môi trường, một hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển. Đây là vấn đề không dễ xóa bỏ trong một sớm một chiều, nhất là trong cơ chế và quy trình làm luật hiện nay khi việc đề xuất chính sách cũng như soạn thảo các dự án luật vẫn chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan quản lý lĩnh vực chuyên ngành và không loại trừ khả năng bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, bởi tâm lý muốn có quyền để có cơ hội lợi dụng, trục lợi. Và nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì rất có thể các đạo luật được ban hành không đáp ứng được yêu cầu kiến tạo hành lang an toàn, môi trường thuận lợi cho phát triển mà chỉ nhằm mục đích kiểm soát, quản lý thuần túy, trở nên kìm hãm sự phát triển.
Từ đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy pháp luật theo quan điểm: pháp luật không chỉ thiết lập sự an toàn cho quản lý mà điều quan trọng hơn là kiến tạo một môi trường, một hành lang thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển. Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước phải là phục vụ Nhân dân và kiến tạo phát triển, không phải chỉ đơn thuần là sự an toàn cứng nhắc của xã hội.
Ba là, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển.
Một Nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển, liêm chính thì cũng cần có một hệ thống pháp luật được ban hành theo hướng bảo đảm tính khách quan, hiệu quả; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi người dân trong xã hội. Muốn làm được điều đó, thiết nghĩ quy trình xây dựng luật cần phải có sự đổi mới theo hướng linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội nhiều hơn.
Bốn là, một số giải pháp cụ thể liên quan đến việc hoàn thiện từng yếu tố cấu thành hệ thống pháp luật tiếp cận từ góc độ hiện đại, gắn với việc xây dựng nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động.
Cụ thể:
Nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống nguồn pháp luật ở Việt Nam hiện nay đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền kiểu mới - kiến tạo phát triển. Theo đó, cần có sự đa dạng hóa, mở rộng các loại nguồn pháp luật hiện nay. Không chỉ dừng ở việc coi trọng, thừa nhận, sử dụng rộng rãi hệ thống VBQPPL; mà cần nghiên cứu việc áp dụng nguồn án lệ vào thực tiễn Việt Nam; nghiên cứu thừa nhận và sử dụng các nguồn khác như lẽ phải, sự công bằng, hoặc các tập quán quốc tế… trong một số trường hợp cần thiết;
Tiếp tục có những giải pháp cụ thể bảo đảm việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có sự hoàn thiện về chất lượng, kĩ thuật lập pháp, tính ổn định, đồng bộ, khả thi… đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong giai đoạn mới;
Hoàn thiện hệ thống thể chế, thiết chế về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay bằng việc ban hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh phù hợp. Chú trọng công tác tổ chức THPL và mối quan hệ giữa tổ chức thi hành pháp luật với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong quá trình thực thi pháp luật;
Tiếp tục có những giải pháp bảo đảm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao trong mọi vùng, miền của đất nước. Thực hiện việc đánh giá ý thức pháp luật và có những biện pháp phù hợp để nâng cao ý thức pháp luật trong mọi tầng lớp dân cư trong xã hội;
Coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, gắn đào tạo luật với việc đáp ứng các nhu cầu của xã hội và của quốc tế,… cần có sự kiểm soát chất lượng đào tạo của hệ thống các trường, cơ sở đào tạo luật hiện nay bảo đảm chất lượng, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ pháp luật trong tương lai.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật là xu hướng tất yếu, cần thiết, quan trọng để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đặt trong bối cảnh tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền không thể thực hiện trong một thời gian ngắn mà cần có lộ trình, với những bước đi cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.