Pháp luật Việt Nam nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc với cùng một tâm trạng là không hiểu căn cứ nào để UBND TP Hà Nội ra chủ trương thu phí Đại lộ Thăng Long - con đường được đầu tư bằng vốn ngân sách, trong bối cảnh cả nước phải dẹp các trạm thu phí kể từ ngày 1/1/2013.
Tự tìm lời giải cho vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ UBND TP Hà Nội có thể “làm ngược” với những gì đang diễn ra trên các quốc lộ là do Hà Nội có “đặc quyền” vì có… Luật Thủ đô.
Tuy vậy, cũng không ít ý kiến không đồng tình với cách giải quyết này. Vì, theo Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì tuy có Luật Thủ đô nhưng không có nghĩa rằng Hà Nội được một mình một cơ chế, chính sách khác hẳn với các địa phương khác. Pháp luật nhà nước mang tính thống nhất, không có luật nào quy định ngoại lệ cho một địa phương về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn, trao đổi thêm về vấn đề này:
- Thưa Luật sư, có ý kiến cho rằng, do có Luật Thủ đô nên TP Hà Nội có thể xây dựng trạm thu phí trên đại lộ Thăng Long trong bối cảnh cả nước phải dẹp các trạm thu phí tương tự, ông có bình luận gì về ý kiến này?
- Cách hiểu trên là chưa đúng với quy định của Luật Thủ đô cũng như các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề này.
Trước đây là Pháp lệnh thủ đô và hiện nay là Luật Thủ đô không hề có quy định nào cho phép Hà Nội có chính sách riêng về vấn đề này. Tại Điều 18 Luật Thủ đô quy định về phát triển và quản lý giao thông vận tải có quy định: Các đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Thủ đô được giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức quản lý, bảo trì theo quy hoạch, trừ đường cao tốc và một số tuyến quốc lộ đã được phê duyệt quy hoạch là đường cao tốc, quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai ngoài cùng.
Với quy định này thì Hà Nội có khác biệt nhỏ với các địa phương khác là các đoạn đường quốc lộ đi qua Hà Nội thì được giao cho UBND TP quản lý, khai thác, bảo trì (các địa phương khác vẫn do do Bộ Giao thông Vận tải quản lý).
Dù được quản lý, khai thác các tuyến quốc lộ đi qua thành phố hay các tuyến đường do UBND TP đầu tư vẫn phải tuân theo các quy định chung của pháp luật về phí và lệ phí. Do đó, tôi cho rằng với quy định trên thì không tạo sự khác biệt nào về chính sách quản lý hạ tầng giao thông khi đường được giao cho UBND TP quản lý, nghĩa là không thể tùy tiện đặt trạm thu phí trong khi pháp luật không cho phép.
- Ngoài quy định trên của Luật Thủ đô thì hiện nay có quy định nào khác của pháp luật để TP Hà Nội có thể dựa vào đó làm cơ sở pháp lý để xây dựng trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long không, thưa ông?
- Để triển khai thực hiện Luật Thủ đô trong lĩnh vực giao thông vận tải, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản 1771/BGTVT-PC gửi các đơn vị thuộc Bộ yêu cầu phối hợp với các Bộ có liên quan và UBND TP Hà Nội để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thủ đô. Theo tôi thấy thì tôi thấy không có văn bản nào đề cập đến chính sách trong quản lý, khai thác hạ tầng gia thông. Do đó, hiện nay chưa có văn bản bản pháp quy nào quy định chính sách riêng đối với quản lý, khai thác và thu phí hạ tầng giao thông do Hà Nội quản lý.
Đối với quy định chung thì để xem xét có thể xây dựng trạm thu phí hay không thì trước hết phải xem đoạn đường đó có được thu phí sử dụng đường bộ hay không. Như các ý kiến trước đây đã nêu, kể từ ngày Nghị định 18/2012/NĐ-CP có hiệu lực thì nhà nước đã thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức thu trên đầu phương tiện và không được phép lập trạm thu phí trên các tuyến đường do nhà nước đầu tư xây dựng nữa. Do đó, câu trả lời rất rõ là Đại lộ Thăng Long không được phép thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức đặt trạm thu phí nữa.
- Như vậy, phương án xây dựng trạm thu phí đường bộ trên Đại lộ Thăng Long là ý tưởng trái pháp luật, thưa ông?
- Tôi cho là như vậy. Việc xây dựng trạm thu phí trong bối cảnh đã thực hiện thu phí trên đầu phương tiện là phí chồng phí. Cơ quan nhà nước không được thực hiện những việc mà pháp luật không cho phép.
- Xin cảm ơn ông!
Bình Minh (thực hiện)