Xe bus nhanh được ưu tiên đường bằng đèn tín hiệu

(PLO) - Ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biế tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều nay (29/11) 
Hà Nội đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ xe bus
Hà Nội đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ xe bus

Đánh giá chung về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus của TP cho thấy, chất lượng dịch vụ xe bus tiếp tục được cải thiện nhưng một số tuyến chưa hấp dẫn người đi xe, biểu đồ vận hành vẫn đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ do ùn tắc giao thông, còn tồn tại hiện tượng nhân viên ứng xử chưa đúng mực, thiếu văn minh, vận hành chưa tuân thủ luật giao thông...

5 phút sẽ có 1 chuyến xe bus nhanh

Nhận định rõ năm 2017, xe bus tiếp tục đối mặt với vấn đề giao thông và sự cạnh tranh của của các phương tiện giao thông, đặc biệt là các ứng dụng taxi trên mạng internet..., để cải thiện và phát triển mạng lưới, Hà Nội sẽ điều chỉnh dịch vụ cho 13 tuyến, đưa vào vận hành tuyến xe bus nhanh (BRT) và 14 tuyến bus mới, đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 115 tuyến. 

Cùng với đó sẽ tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ (tăng cường thông tin dịch vụ, nâng cao tính tiện nghi, đảm bảo an toàn...), tăng cường công tác quản lý thông qua hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp tăng cường tiếp nhận phản ánh của hành khách đề kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.

Theo ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội, trong những tháng cuối năm 2016, Tổng Công ty đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa tuyến BRT Kim Mã- Yên Nghĩa đi vào hoạt động đúng kế hoạch. Dự kiến ngày 15/12 Hà Nội sẽ vận hành thử tuyến BRT đầu tiên.

 “Đây là mô hình đầu tiên ở cả nước. Trong điều kiện giao thông hiện nay, trước mắt 5 phút sẽ có 1 chuyến. Như vậy mỗi chuyến từ Kim Mã – Yên Nghĩa sẽ mất khoảng 45-40 phút” – ông Hà Huy Quang cho biết.

Song Phó Giám đốc Sở GTVT TP thừa nhận, mô hình BRT hiện chưa hoàn toàn đúng vì chưa có đường ưu tiên mà phải điều hành giao thông ưu tiên cho các tuyến BRT.

Nghĩa là khi BRT di chuyển qua các nút giao sẽ dùng đèn tín hiệu ưu tiên đường cho BRT. Một số đoạn tuyến có đường ra, vào sẽ bịt lại để ưu tiên hoàn tòan cho BRT. Hạn chế bớt một số loại ô tô không cần thiết vào tuyến để BRT vận hành…

Cùng với đó, TP sẽ điều chỉnh mạng lưới xe bus để đảm bảo không có cạnh tranh giữa BRT và các loại hình xe bus hiện hành hay ưu tiên hành khách cho BRT. “BRT chỉ là tuyến phối kết hợp, giải toả khách ở một số điểm đỗ” – ông Quang nhấn mạnh.

Mô hình nhà chờ xe bus nhanh tại phố Giảng Võ (Hà Nội)
Mô hình nhà chờ xe bus nhanh tại phố Giảng Võ (Hà Nội)

Chỉ phải đi bộ khoảng 200-300m là có thể đón xe bus

Đó là một trong những mục tiêu mà TP đang hướng tới để xây dựng dịch vụ xe bus thuận tiện, an toàn, thân thiện, chi phí hợp lý.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP khẳng định sẽ đảm bảo mọi người đều có thể sử dụng được xe bus và chỉ phải đi bộ khoảng 200-300m là có thể tiếp cận các điểm đón xe. 

Như vậy đến năm 2020, TP sẽ mở rộng thêm 60 tuyến bus hướng ra ngoại thành và phát triển xe bus ở những địa bàn còn trống trong nội đô. 

Ông Quang bày tỏ, phấn đấu thời gian đi lại hợp lý của xe bus là "đau đầu" nhất vì nếu không làm được thì người dân cũng xe quay lưng lại với xe bus. Nhưng trong điều kiện giao thông của TP, xe bus chỉ có thể nhanh hơn phương tiện cá nhân khoảng 1,2 đến 1,3 lần.

Do đó, Sở GTVT TP kiến nghị TP triển khai các chủ trương, chính sách về ưu tiên hạ tầng xe bus trong xây dựng công trình giao thông và xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại và tiếp tục ưu tiên xe bus, người đi bộ trong tổ chức giao thông.

TP nhận định, xe bus muốn phát triển cần đáp ứng được nhu cầu đi lại không chỉ của những người thu nhập thấp, mà còn phải mở rộng sang các loại hình, đối tượng khác có nhu cầu đi lại thường xuyên.

Ông Hà Huy Quang cũng khẳng định, TP hiện có trên 1.400 xe bus vận hành nhưng bất kỳ trường hợp nào vi phạm về văn minh xe bus đều bị xử  lý nghiêm. Đồng thời, nâng cao chất lượng phương tiện để đảm bảo an toàn, an ninh và tiện nghi cho hành khách.

Hiện 30% xe bus đang vận hành đã trên 10 năm, cần thay thế theo lộ trình. TP đặt kế hoạch đến năm 2020 phải thay thế và bổ sung mới 1.200 -1.400 xe, trung bình mỗi năm khoảng 300 xe. 

“Dự kiến đến năm 2025 sẽ giải quyết xong xe cũ nhưng vấn đề đặt ra là nguồn lực để thay thế xe thực sự không dễ dàng” – lãnh đạo ngành GTVT TP tâm tư.

Đọc thêm