Không biết từ bao giờ, trước cổng Bệnh viện (BV) Việt Đức xuất hiện đội quân cứu thương “dù”. Bất kể nắng mưa, sớm tối, những “con xe” này sẵn sàng phục vụ các bệnh nhân (BN). Nhưng, ai đã sử dụng dịch vụ này mới biết: Mình bị bóp chẹt đến cỡ nào?
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?
Sự việc đã trôi qua rồi nhưng anh Trần Tuấn Anh, trú tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn chưa hết bức xúc.
Theo lời kể của anh, cách đây gần 2 tháng, anh Tuấn Anh có người nhà bị tai nạn giao thông ở ngã tư Lý Thường Kiệt nên phải vào BV Việt Đức cấp cứu. Sau khi vào Khoa Cấp cứu của BV, người nhà anh được các bác sĩ cứu chữa và cho về nhà theo dõi các chấn thương. Được sự tư vấn và chỉ dẫn của một người ngồi cùng hàng ghế ở phòng cấp cứu, anh Tuấn Anh đã ra cổng BV để thuê xe.
|
Khi hỏi giá vận chuyển, người mặc áo blu trắng có dáng vẻ của một nhân viên y tế nói cứ yên tâm, đã có bảng giá chung. Thấy xe có đầy đủ đèn, còi, biển hiệu và bác sĩ mặc áo blu trắng, anh Tuấn Anh hoàn toàn yên tâm nên đã đồng ý thuê xe mà không cần thỏa thuận về giá cả.
Về đến nhà, anh Tuấn Anh mới té ngửa khi “bác sĩ” yêu cầu gia đình trả tới 450.000 đồng cho đoạn đường chưa đầy 5 km từ Phủ Doãn về Nguyễn Công Trứ. “Há miệng, mắc quai”, gia đình anh đành phải thanh toán số tiền trên với một tâm trạng không lấy gì làm vui vẻ.
Còn “dở khóc dở cười” hơn là trường hợp của anh Nguyễn Văn N. ở Đông Anh, Hà Nội. Sau khi được một người tự giới thiệu là người nhà một nhân tư vấn, anh N. đã chấp nhận thuê trọn gói một chuyến xe cấp cứu đầy đủ tiện nghi từ BV Việt Đức về Đông Anh với giá 600.000 đồng, bao gồm cả nhân viên y tế đi cùng hỗ trợ người bệnh. Sau khi được đội ngũ “nhân viên y tế” “xe dù” hướng dẫn, khênh cáng từ khoa ra xe, mức giá bất ngờ “đội” lên 800.000 đồng.
Vì sợ kéo dài thời gian sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của BN, gia đình anh N. đành phải đồng ý móc hầu bao thêm 200.000 đồng nữa. Nhưng, không dừng lại ở đó, khi mọi việc đã xong xuôi, chỉ chờ xe nổ máy, “nhà xe” lại nâng mức giá lên tới 1.200.000 đồng. Không thể chấp nhận sự tráo trở này, sau một hồi cãi vã, anh N. quyết định khiêng người bệnh quay trở lại phòng cấp cứu với sự bực bội và nỗi ấm ức lên tột đỉnh…
Chân dung các “siêu lừa”
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ “chặt chém” khách hàng về mức giá cước, đội quân xe cứu thương "dù "còn bất chấp cả các quy định của BV. Hàng ngày, hàng giờ các xe loại này vẫn ngang nhiên hoạt động trong khuôn viên BV. Khi bị lực lượng bảo vệ ngăn cản không cho xe vào, đội ngũ “cò” xe cứu thương "dù "sẵn sàng bắn tin đe doạ người cản trở và thách thức cơ quan chức năng.
Theo thông tin từ một số nhân viên bảo vệ và các chủ hàng nước khu vực BV Việt Đức, có khoảng 4 “cò” xe cứu thương dù (đều là nam giới, cỡ trung tuổi) thường xuyên lảng vảng trước cổng và trong khuôn viên BV để “bắt khách”. Đêm đến, đội ngũ này còn đánh cả xe cứu thương dù vào tận khuôn viên BV, trà trộn vào đội xe cứu thương của BV để tìm kiếm BN.
Các xe cứu thương này cũng dán dấu thập đỏ, nhân viên cũng mặc áo blue trắng đoàng hoàng nên rất khó phân biệt giữa xe của BV với xe cứu thương "dù. "Không những “chặt chém” người bệnh về giá cả vận chuyển, đội ngũ “cò xe” này còn sẵn sàng “trấn” khách của các xe chở khách khác, hoặc dùng vũ lực đe dọa các tài xế để “đòi” chi phần trăm tiền chở khách của họ.
Và, nỗi lòng của Ban giám đốc BV
Theo một cán bộ của BV Việt Đức cho biết, BV có tất cả 17 xe cứu thương chuyên chở BN. Nhưng, thống kê từ phòng điều hành xe cứu thương thì trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 15-20 BN thuê xe cứu thương của BV để vận chuyển.
Thực tế, lượng BN có nhu cầu thuê xe cứu thương vận chuyển vào ban đêm vẫn rất cao nhưng đội điều hành xe cứu thương của BV vào giờ này hoạt động rất cầm chừng nên nhiều người nhà BN phải ra ngoài thuê xe. Và, đây chính là mảnh đất màu mỡ để các “cò” xe cứu thương dù khai thác.
Ông Vũ Mạnh Thức, Tổ trưởng Tổ điều hành xe cứu thương, BV Việt Đức cho hay, tình trạng xe cứu thương dù tràn vào sân BV đỗ, chèo kéo khách vẫn xảy ra. Trước tình trạng này, tổ điều hành xe cứu thương của BV đã nhiều lần nhắc nhở, đồng thời báo cáo lên Ban Giám đốc BV để chỉ đạo, chấn chỉnh nhưng chỉ được một thời gian “đâu lại đóng đấy”.
Đem thắc mắc này hỏi PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, GĐ BV Việt Đức, chúng tôi được biết, việc quản lý, kiểm soát tình trạng xe cứu thương "dù "những năm gần đây đã được BV thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, sau một thời gian lắng xuống đến nay tình trạng này bắt đầu xuất hiện trở lại. Về nguyên nhân, ông Quyết cho rằng, một phần là do gia đình BN không phân biệt được xe cứu thương của BV với xe "dù", một phần họ biết xe "dù" nhưng vẫn lựa chọn vì ham rẻ, bị cò xe "dù" đánh trúng tâm lý đó mà không cần biết đến chất lượng của dịch vụ.
Ngoài các nguyên nhân khách quan thì vẫn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan do chính nhân viên bảo vệ của BV thực hiện chưa nghiêm, thậm chí một số nhân viên bảo vệ còn “móc nối” với lái xe cứu thương "dù" để kiếm lợi từ BN. Bằng chứng là, chỉ cách đây 2 tháng, BV đã phát hiện và ra quyết định đuổi việc một nhân viên bảo vệ do có hành vi buông lỏng cho “cò” xe cứu thương" dù" vào “mồi chài” người nhà BN. Trước đó, Ban GĐ BV cũng đã từng đuổi việc 2, 3 nhân viên khác với các lỗi tương tự. Tuy nhiên, theo ông Quyết “dù BV đã làm rất nghiêm song con người “muôn hình vạn trạng” nên không dễ để giải quyết dứt điểm ngay tình trạng này”.
Không thể “một sớm một chiều” dẹp bỏ được vấn nạn này. Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách triệt để và quyết liệt, nhất định thực trạng này sẽ chấm dứt. Đồng cảm với nỗi niềm của các BN và người nhà của họ, chúng tôi mong muốn ban lãnh đạo BV Việt Đức luôn lưu tâm đến vấn đề này. Đó không chỉ là trách nhiệm của BV mà còn là phương thức để họ giữ gìn hình ảnh của chính mình – một BV hàng đầu về ngoại khoa của cả nước.
Hùng Long