Tuyến quốc lộ 37 dài 470 km, xuất phát từ tỉnh Thái Bình đến tỉnh Sơn La, đi qua nhiều địa phương là Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên. Hiện nay, trên tuyến đã có nhiều đoạn xuống cấp do xe tải trọng lớn ngày đêm "cày xới". Trong đó, đoạn qua Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đến xã Cẩm Lý (huyện Lục Nam, Bắc Giang) chất lượng con đường rất thấp với thiết kế mặt đường hẹp, chỉ rộng khoảng 5m bề mặt, không có dải phân cách ở giữa và đi qua nhiều khu đông dân cư và đoạn đường này ngày đêm oằn mình với những lượt xe trọng tải lớn lũ lượt đi lại.
Quốc lộ 37 đoạn đường qua địa phận xã Cẩm Lý còn có cầu đường sắt Cẩm Lý. Ở hai đầu cầu, cơ quan quản lý giao thông đã cắm biển hạn chế rõ tải trọng của cầu, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông thường xuyên có mặt, thế nhưng các xe tải hạng nặng vẫn ngày đêm qua đây khiến mặt đường bị cày nát đến thảm hại.
Đoạn đường này cũng là trục chính dẫn vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Vào các dịp lễ hội, lượng khách về du ngoạn, thắp hương lên đến hàng chục vạn người và dễ xảy ra tai nạn giao thông. Tuyến đường này còn nối quốc lộ 18 và quốc lộ 1A, do vậy các phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình nếu đi tắt lối này để lên biên giới Lạng Sơn và ngược lại sẽ rút ngắn được quãng đường khoảng 20km so với hành trình đi quốc lộ 18 qua Bắc Ninh, ra quốc lộ 1 và các xe tải trọng lớn có thể "qua mặt" được cả 2 Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động của tỉnh Hải Dương đặt trên quốc lộ 5 và quốc lộ 18.
|
Cầu Cẩm Lý cho phép qua cầu là 9 tấn/một trục nên xe tải trọng lớn vô tư đi qua |
Trực tiếp quan sát lưu lượng xe qua lại dọc tuyến đường đoạn qua tỉnh Hải Dương, phóng viên còn bắt gặp nhiều “ổ gà, ổ voi”. Bất chấp đường nhỏ, hẹp, nhiều lái xe vẫn điều khiển xe chạy với tốc độ cao, tránh, vượt gây nguy hiểm cho người và phương tiên tham gia giao thông nhất là xe mô tô và xe thô sơ. Đặc biệt, từ khi trạm cân tải trọng đặt tại xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang được gỡ bỏ, xe có tải trọng lớn qua lại nhiều, dẫn đến con đường ngày càng xuống cấp, tình trạng mất ATGT xảy ra nhiều hơn.
Để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng CSGT Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Công an thị xã Chí Linh tăng cường tuần tra, kiểm soát tải trọng xe lưu hành trên tuyến, xử lý nghiêm các phương tiện chở hàng quá tải, chạy quá tốc độ; tăng cường tuyên truyền ý thức cho lái xe và các hộ dân hai bên đường, các em học sinh thực hiện nghiêm các qui định về ATGT, thực hiện đúng các nét văn hóa của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Đó chính là biển báo hạn chế tải trọng cắm ở đầu cầu Cẩm Lý. Biển báo cho phép 9 tấn trên mỗi trục xe. Nhưng đối với những xe có nhiều trục như 5 trục xe thì trọng tải cho phép lên tới 45 tấn. Theo quy định, xe container, xe rơ moóc trọng tải không quá 10% so với quy định nên phần lớn xe qua đây khi kiểm tra trọng tải đều không bị quá tải hoặc nếu có quá tải thì ở mức độ thấp, xử phạt không nhiều. Trong khi đó, từ ngày 15/4/2015, Bộ GTVT đã tạm thời dừng phạt xe quá tải trọng trục mà phạt tổng trọng tải xe.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về phản ánh của người dân liên quan đến các nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Hải Dương, Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Hải Dương cho biết, tình trạng xe có tải trọng lớn chạy dọc theo quốc lộ 37 đoạn qua thị xã Chí Linh sang Bắc Giang như người dân phản ánh là đúng. Các xe đi từ Hải Phòng, Quảng Ninh đến thị xã Chí Linh rẽ vào quốc lộ 37 nhưng không có biển báo hạn chế tải trọng mà chỉ có biển thông báo trọng lượng xe cho phép qua cầu Cẩm Lý là 9 tấn/một trục và qua cầu Sen là 13 tấn/một trục nên lực lượng CSGT không thể ngăn các phương tiện đi lại được.
Trước thực tế cầu và đường bị xuống cấp trầm trọng, xe chạy nhiều, gây mất ra nguy cơ mất ATGT, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để nguy cơ dẫn đến mất an toàn giao thông thì điều quan trọng hơn cả là ngành Giao thông vận tải cần có biển báo hạn chế tải trọng xe hợp lý để lực lượng CSGT có cơ chế xử lý vi phạm, bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông. Đồng thời, tránh gây hiểu lầm của người dân đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ trên tuyến đường này.