Xem kịch trước trả tiền sau

(PLO) -  Không đành lòng để ánh đèn sân khấu “le lói”, một số nhà hát đã có bước đột phá mới trong việc “dụ” khán giả đến với mình như: xem kịch trước trả tiền sau, triển khai câu lạc bộ “Những người yêu mến kịch”…
Một cảnh trong kịch của Lưu Quang Vũ.
Một cảnh trong kịch của Lưu Quang Vũ.
Nhà hát với nỗi buồn ảm đạm
“Nghệ thuật sân khấu bấy lâu được Nhà nước bao cấp. Đó là những khán giả được nhận giấy mời của nghệ sĩ từ các nhà hát, chứ không phải tự bỏ tiền túi của mình ra mua vé đến rạp, nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình!” - PGS.TS Trần Trí Trắc khi tổng kết liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ nhất đã có những lời nhận xét rất tâm huyết như thế. 
Bây giờ khán giả ít quan tâm đến sân khấu vì họ có quá nhiều mối quan tâm khác. Trong đó, internet dường như là “mối nguy hại” lớn nhất khi nó khiến giới trẻ không tới nhà hát. Thực tế, thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay đã mang đến cho giới trẻ quá nhiều lựa chọn giải trí hấp dẫn, phù hợp. Với giới trẻ, sân khấu  là thứ mà hầu hết họ không có thói quen tiếp cận từ nhỏ.
Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, có 40% sinh viên không biết Nhà hát Tuổi Trẻ ở đâu, 16% sinh viên không biết Nhà hát Tuổi Trẻ “là ai”, rất nhiều bạn trẻ chưa một lần bước chân vào một nhà hát nào.
Hiện nay, với sự tồn tại hơn 130 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, mỗi tỉnh đều có ít nhất một nhà hát. Riêng TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, có thể liệt kê đến hàng chục rạp hát. Nhưng buồn thay, trụ sở thì nhiều, diễn viên đông nhưng số đêm “đỏ đèn” thì dường như còn quá hiếm hoi. 
Có lẽ các nhà hát này chỉ tấp nập khi có các sự kiện lớn diễn ra như các cuộc liên hoan nghệ thuật toàn quốc hoặc quy mô quốc tế. Thiếu vắng chương trình hay, khán giả thưa thớt, vé bán ế ẩm, rạp hát im ắng đã trở thành nỗi buồn thê lương của những người trong nhiều năm trở lại đây. 
Để cứu vãn tình hình ảm đạm này, các nhà hát trong khoảng chục năm qua đã thành lập phòng tổ chức biểu diễn, có phó giám đốc tổ chức biểu diễn; lập trang web, facebook để giới thiệu thường xuyên về vở mới cùng lịch diễn và điện thoại giao dịch nếu ai có nhu cầu mua vé. 
Các nhà hát đều cho nhân viên tỏa ra tất cả các nơi, các ngõ ngách để đưa vở diễn đến với công chúng. Ấy vậy mà hầu hết, kết quả thu về chẳng là bao. Nhiều người lo lắng cứ đà này, không biết vài thập kỷ nữa sân khấu có tồn tại? 
“Ngàn lẻ một” cách “dụ” khán giả
Nhằm khơi gợi lòng nhiệt tình của khán giả, nhất là khán giả trẻ với sân khấu, kéo họ đến gần hơn với kịch, đồng thời qua đó hướng tới việc tạo ra sự đối thoại trực tiếp giữa khán giả và các nghệ sĩ, xây dựng các vở kịch có chất lượng và uy tín, từ đầu tháng 10/2014, Kịch Tâm Ngọc (TP.HCM) áp dụng mô hình hiếm gặp trên thế giới và chưa từng có tại Việt Nam: xem kịch trước, trả tiền sau.
Với giá vé vào cổng từ 10 đến 30 ngàn đồng/vé, thay vì trên 100 ngàn đồng như hiện nay, khán giả được xem trước một vở kịch, nếu thấy hay thì trả thêm tiền, trả bao nhiêu cũng được. Theo ông bầu trẻ Phạm Vũ Kiên: “Chúng tôi cũng vừa muốn phiêu lưu, vừa muốn sòng phẳng hơn với khán giả của mình. Nghệ thuật hay, dở là chuyện vô chừng, mỗi người mỗi ý, nên tự họ phải đánh giá vở mình xem hay đến đâu để trả tiền thêm. Cùng một vở diễn, có người chỉ bỏ 30 ngàn, nhưng cũng có người bỏ 500 ngàn đồng, vài trường hợp cá biệt còn bỏ nhiều hơn”. 
Sau khoảng 3 tháng đi vào thực tế, mô hình này đang tỏ ra phù hợp với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, học sinh. Với 80% là khán giả trẻ, ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Không đành lòng để ánh đèn sân khấu “le lói”, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng có bước đột phá mới trong việc “dụ” khán giả đến với mình. Nhà hát Tuổi Trẻ có Câu lạc bộ “Những người yêu mến kịch” tại Hà Nội. Đây là sân chơi mới dành cho công chúng Thủ đô yêu nghệ thuật sân khấu do NSƯT Chí Trung làm Chủ nhiệm. 
Phương thức để trở thành thành viên của Câu lạc bộ “Những người yêu mến kịch” rất đơn giản. Khán giả chỉ cần đến đăng ký trực tiếp tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) hoặc qua địa chỉ thư điện tử nhahattuoitrevietnam@gmail.com. Khi đã trở thành thành viên của câu lạc bộ, khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức các vở chính kịch, hài kịch hóm hỉnh và đầy tính nhân văn với giá vé ưu đãi mua một tặng một. 
Khán giả sẽ trở thành những vị giám khảo cho các vở kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ khi “bắt lỗi” các nghệ sĩ, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng. Chính sự tương tác hai chiều giữa khán giả và nghệ sĩ này không chỉ đem lại cho khán giả những vở kịch hay mà còn giúp nghệ sĩ có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe góp ý từ người xem để hoàn thiện các vở kịch một cách tốt hơn.
Ngoài ra, Nhà hát Tuổi Trẻ đã mang vở “Mùa hạ cuối cùng” của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ đến với học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn Hà Nội với 100 suất diễn miễn phí. Theo ông Trương Nhuận, đây là một chiến lược phát triển số lượng khán giả cho Nhà hát Tuổi Trẻ trong tương lai để đưa nghệ sỹ đến gần với khán giả. Theo ông Nhuận, bấy lâu nay nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ vẫn cứ dựng vở và diễn mà không thể nắm bắt được sở thích, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thật sự của khán giả. 
Để kéo được khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với sân khấu không phải một sớm một chiều. Việc đổi mới cách tiếp cận khán giả là một trong số những yếu tố mà các nhà hát đang chú trọng nhằm dần tháo gỡ khó khăn khi tình hình sân khấu kịch ảm đạm như hiện nay.