|
Qua theo dõi đợt đặc xá năm 2013, sau một năm thực hiện đặc xá, tính đến ngày 1/9/2014, số người được đặc xá có hành vi vi phạm pháp luật là 114 người, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số 15.523 người được đặc xá. Vì vậy, mặc dù số người được đặc xá đông nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, thời gian qua, các tổ thẩm định liên ngành đã tiến hành thẩm định tổng số hồ sơ đề nghị đặc xá là 18.414, trong đó 18.399 hồ sơ có đủ điều kiện. Trong số các hồ sơ đủ điều kiện, nhất trí xem xét đề nghị đặc xá cho 18.331 phạm nhân, trong đó có 32 phạm nhân là người nước ngoài và 1 phạm nhân liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia.
Để công tác đặc xá và hậu đặc xá năm 2015 đạt kết quả tốt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá trở về địa phương, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhập thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân chung tay giúp người được đặc xá xóa bỏ mặc cảm tội lỗi.
Tránh kỳ thị đối với người được đặc xá, đồng thời làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Sau cuộc họp, Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân được đặc đợt 2/9/2015 để xem xét, quyết định./.