Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng khoá XI hôm qua khai mạc tại Hà Nội. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là một trong 6 vấn đề lớn được Hội nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị. |
Thảo luận kỹ phương án sửa đổi Hiến pháp
Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng khoá XI sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề lớn, bao gồm: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng; quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định.
Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến việc quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, chỉ ra mặt được và mặt chưa được, phân tích nguyên nhân, đề xuất các quan điểm, chủ trương và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Vì vậy, cần xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Ủy viên T.Ư bám sát Cương lĩnh của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị T.Ư 2 và Hội nghị T.Ư 5 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật sâu các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà Ủy ban sửa đổi Hiến pháp trình, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng.
“Tinh thần chung là phải chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công - nông và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Bí thư, đối với những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, Trung ương cần xem xét, trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình phù hợp.
Về sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là một Nghị quyết rất quan trọng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và theo dõi, ngay từ khi Nghị quyết mới được ban hành cũng như trong suốt quá trình triển khai thực hiện. Do đó, sau hơn 1 năm thực hiện, cần sơ kết để kịp thời rút kinh nghiệm và có những nhận định, đánh giá thống nhất, tạo sự đồng thuận cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết này.
Cho ý kiến về nhân sự nhiệm kỳ mới
Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", thời gian qua, Bộ Chính trị đã sớm chỉ đạo triển khai việc xây dựng Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Sau khi được Hội nghị T.Ư 6 (khoá XI) thông qua Đề án, Bộ Chính trị đã khẩn trương chuẩn bị để trình Hội nghị T.Ư lần này cho ý kiến về dự kiến quy hoạch BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tổng Bí thư cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí Ủy viên T.Ư đã tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch. Tổng hợp kết quả phát hiện, giới thiệu, bước đầu cho thấy nguồn cán bộ khá dồi dào về số lượng, có đủ 3 độ tuổi cho các chức danh, trong đó có khá nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và có ý kiến sơ bộ về chức danh nhân sự dự kiến đưa vào Quy hoạch nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị BCH T.Ư cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch, sau đó giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của Trung ương cân nhắc, quyết định chính thức.
Nội dung quan trọng thứ 6 được Hội nghị thảo luận, cho ý kiến là ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị T.Ư lần này là phải bàn bạc thấu đáo để có những chủ trương, phương hướng đúng đắn, kịp thời chỉ đạo thực hiện có kết quả lĩnh vực này, nhằm quán triệt, cụ thể hoá quan điểm phát triển bền vững của Đại hội XI, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 cũng như lâu dài của đất nước.
Nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị T.Ư lần này đều là những vấn đề rất khó, phức tạp nhưng rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho cả các nhiệm kỳ tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị T.Ư và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 2/5 đến 11/5.
Lan Phương