Có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) và một số đại biểu khác nhấn mạnh, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều nhiều khó khăn, song đất nước đã vững vàng đi lên. Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều dấu hiệu phục hồi và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận QH và Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm phí, lệ phí trước bạ, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế đất... Qua đó, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả rất trân trọng, năm 2023, dự kiến có 5/15 chỉ tiêu QH giao chưa đạt, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ 3 liên tiếp không đạt.
“Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm, giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt 4,36 đến 4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018”, đại biểu nói và đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung các nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.
Về độ mở của nền kinh tế, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, nước ta là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới.
“Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem lại nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài; xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu”, đại biểu chỉ rõ.
Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các Hiệp định thương mại tự do, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta.
“Độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta? Nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào? Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định, gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại”, đại biểu kiến nghị.
Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ phải rà soát kỹ để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp và nhiệm vụ. Trên sơ sở rà soát, đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao.
Trong đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.
“Tôi nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công”, đại biểu Nghĩa nói.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đại biểu đề nghị trong kỳ họp này, QH yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh,đổi mới, sáng tạo để báo cáo QH tại Kỳ họp thứ 7.
Thứ ba, về tăng cường liên kết vùng, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình QH ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng.
Đề cập đến thời gian làm việc, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét trình QH giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).
“Đây cũng là xu hướng tiến bộ của các quốc gia trên thế giới”, đại biểu nói và bày tỏ mong muốn các vị đại biểu QH quan tâm, ủng hộ quy định này.
Quyết liệt hơn trong xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp cũng đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải tán, phá sản cũng tăng lên.
Hình ảnh tại phiên họp. |
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã có Báo cáo số 20 về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án), qua đó cho thấy việc xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án này đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung tiến độ còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài, bao gồm cả những biện pháp về kinh tế và các biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với 12 đại dự án này.
Cho ý kiến về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sâu thêm một số vấn đề, trong đó có việc công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa được các bộ, ngành thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Tình trạng bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, xin lùi thời hạn trình, chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH theo KH số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH; một số dự án Luật, Nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng khi trình QH.
Việc đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng văn bản chưa được chú trọng đúng mức, nhiều trường hợp còn mang tính hình thức, cảm tính, thiếu tính khoa học; có tình trạng chính sách được chỉnh lý, bổ sung trong quá trình xem xét, thông qua văn bản nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ, kể cả đánh giá tác động về thủ tục hành chính dẫn đến văn bản được ban hành nhưng tính khả thi không cao, thậm chí không có tính khả thi.
Hệ thống VBQPPL còn nhiều nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, khó khăn trong quá trình thực hiện. Tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao. Nhiều VBQPPL phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều lần; trong đó nhiều quy định phải sửa đổi, bổ sung sau một thời gian ngắn ban hành.
Công tác thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; công tác thực thi pháp luật hiệu quả không đều…
Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cường, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát VBQPPL.
Thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL; trong đó có quy định rà soát VBQPPL đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm nguyên tắc của rà soát VBQPPL đó là “Việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngat khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách ngiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự, thủ tục rà soát”.
Để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiêm túc rà soát, tổng kết, đánh giá tác động các chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa kịp thời của hệ thống pháp luật; ban hành đầy đủ các VBQPPL hướng dẫn thực hiện các Luật.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định chưa rõ, chưa đầy đủ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thuộc thẩm quyền… Giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ rà soát đã được thực hiện cũng như các kỳ giám sát của các cơ quan của QH chỉ ra.
Khẳng định, cùng với công tác, xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật thì công tác tổ chức thi hành pháp luật rất cần phải tiếp tục được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đại biểu đề nghị Chính phủ, TTCP tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt hơn đối với công tác này.