Năm 2014, các cuộc thi tuyển các chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Vụ trưởng các Vụ Vận tải, An toàn giao thông, Quản lý doanh nghiệp và Cục trưởng Đường thủy nội địa đã lần lượt diễn ra.
Kết quả, ông Nguyễn Văn Huyện - nguyên Chánh Thanh tra Bộ GTVT trúng tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với số điểm 169,33; ông Trần Bảo Ngọc - nguyên Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ trúng tuyến chức danh Vụ trưởng Vận tải, với số điểm 89,09; ông Vũ Anh Minh - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp trúng truyển chức danh Vụ trưởng Vụ này, với số điểm 85,82; ông Hoàng Hồng Giang - nguyên Phó Trưởng khoa Công trình (Đại học Hàng hải) trúng tuyển chức danh Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, với số điểm 82,60; ông Nguyễn Văn Thạch - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế trúng tuyến chức danh Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, với số điểm 87,92.
Một năm sau, ông Vũ Quang Khôi - nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã vượt qua 7 ứng viên khác để vào “ghế” Cục trưởng Cục này, với số điểm 86,79.
Đánh giá về kết quả thi tuyển các chức danh ở Bộ GTVT trong một cuộc làm việc với Ban Tổ chức Trung ương vào thời điểm đó, ông Trần Văn Lâm - Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ này từng khẳng định: “Kết quả từ các kỳ thi tại Bộ GTVT vừa qua cho thấy, những người trúng tuyển, được bổ nhiệm đến nay đã và đang phát huy tốt trình độ, năng lực của mình, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của vị trí thi tuyển; giữ vững ổn định nội bộ của đơn vị; nâng cao được chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị, đáp ứng được yêu cầu của Ban Cán sự đảng Bộ”.
Thực tế, sau 4 - 5 năm trên cương vị Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng các đơn vị thuộc Bộ GTVT, các “thủ khoa” đã nỗ lực lãnh đạo, điều hành đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách, qua đó góp phần giúp Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực rộng lớn. Một số vị đã tham mưu và trực tiếp giải quyết một số vấn đề “nóng”, điểm “nóng” của ngành mà dư luận xã hội quan tâm như: lĩnh vực an toàn giao thông; thu phí BOT; “cuộc chiến” taxi truyền thống với Grap, Uber; xây cầu dân sinh; phát triển logistics; kết nối các phương thức vận tải sắt - thủy - bộ…
Tuy nhiên, cũng có một số “thủ khoa” sau khi nhiệm chức, thì ngành đó, đơn vị đó xảy ra khá nhiều “ồn ào”, tai tiếng như trong lĩnh vực đường sắt, tai nạn nghiêm trọng xảy ra dồn dập; nhiều cán bộ “dính” tiêu cực bị khởi tố, bắt giam ở Cục Đường thủy nội địa…
Thực tế dù chưa hoàn toàn “tròn trịa” nhưng việc thi tuyển rõ ràng vẫn là điều cần thiết, qua đó chọn ra những người xứng đáng với các chức trách, nhiệm vụ được giao, thông qua các chương trình hành động mà họ nêu trước khi được bổ nhiệm. Còn bổ nhiệm lại là việc xem xét, đánh giá nhiều yếu tố trong nhiệm kỳ công tác, trong đó không thể không rà lại việc các “thủ khoa” nói có đi đôi với làm trước và sau khi được bổ nhiệm?.
Việc này đòi hỏi một sự khác quan, công bằng từ phía Bộ GTVT, bởi những gì mà các “thủ khoa” đã hoặc chưa làm được, dư luận cũng như toàn ngành GTVT đều nhìn thấy.