Xếp lương với viên chức được xét tuyển đặc cách

(PLO) - Ông Nguyễn Hữu Cường (tỉnh Bắc Ninh) là giáo viên dạy thể dục theo hợp đồng lao động, đóng BHXH từ ngày 1/1/2010 đến tháng 2/2017. Tháng 12/2015 ông được cấp bằng thạc sĩ. Tháng 2/2017, ông Cường được xét tuyển đặc cách vào viên chức.

Quyết định tuyển dụng của ông Cường có ghi hưởng lương bậc 2, hệ số 2,67, mã ngạch V.07.03.07. Thời gian tính nâng lương lần sau từ ngày 1/12/2015. Ông Cường hỏi, cách chuyển xếp lương đối với ông đã đúng quy định chưa?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Cường hỏi như sau:

Theo Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, được hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 15/2012/TT-BNV, căn cứ nhu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP đối với các trường hợp sau:

- Người có kinh nghiệm công tác hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc); trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

- Người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; trường hợp sau khi tốt nghiệp đã có thời gian công tác thì phải công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển, trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian này.

- Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng của đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV quy định, người trúng tuyển viên chức được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên.

Trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng có quy định, người trúng tuyển làm giáo viên, giảng viên đã thực hiện giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng từ đủ 12 tháng trở lên không phải thực hiện thời gian tập sự.

Xếp lương khi tuyển dụng

Theo Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong thời gian tập sự, người tập sự có trình độ thạc sĩ chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.

Như vậy, trường hợp được miễn tập sự khi tuyển dụng, có trình độ thạc sĩ thì được hưởng ngay 100% mức lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp.

Khoản 3, Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV quy định, thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.

Theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập thì, chức danh nghề nghiệp Giáo viên tiểu học hạng II (mã ngạch V.07.03.07) phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học hoặc đại học sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên.

Trường hợp ông Nguyễn Hữu Cường là giáo viên dạy thể dục theo hợp đồng lao động, đóng BHXH từ ngày 1/1/2010 đến tháng 2/2017 (tháng 12/2015 được cấp bằng thạc sĩ).

Tháng 2/2017, ông được xét tuyển đặc cách vào viên chức. Khi ban hành quyết định bổ nhiệm ông Cường, cơ quan quản lý viên chức căn cứ vào thời gian làm công việc chuyên môn nghiệp vụ có đóng BHXH bắt buộc và trình độ thạc sĩ, phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, làm cơ sở xếp lương vào chức danh nghề nghiệp và tính thời gian xét nâng lương lần sau.

Trường hợp ông Cường được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp có cùng nhóm lương mà ông đã được xếp khi làm việc theo chế độ hợp đồng (loại A1, Bảng lương số 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP). Vận dụng quy định tại Điểm a, Khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ để xếp lương giống như trường hợp xếp lương khi chuyển ngạch trong cùng loại, xếp ngang bậc lương, hệ số lương đang hưởng theo chế độ hợp đồng. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính từ khi được nâng bậc lương đang hưởng theo chế độ hợp đồng.

Trong quyết định bổ nhiệm có nội dung ông Cường được hưởng lương bậc 2, hệ số 2,67, mã ngạch V.07.03.07; thời gian tính nâng lương lần sau từ ngày 1/12/2015 là phù hợp với các quy định nêu trên. Theo đó, đến ngày 1/12/2018 ông Cường sẽ được xét nâng bậc lương thường xuyên lên bậc 3, hệ số 3,00.     

Đọc thêm