Trong một bài viết của mình đăng trên Jurist - tờ báo chuyên đăng tải các hoạt động xét xử- bà Andrea Prasow, luật sư về chống khủng bố của tổ chức nhân quyền cho hay, những người đóng vai trò cố vấn cho Uỷ ban quân sự trong phiên xét xử Ibrahim al Qosi tại Guantanamo hồi trung tuần tháng 8 vừa qua chẳng khác gì trò hề.
Vừa kín vừa hở?
Tại Guantanamo, trong khi rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng tập trung theo dõi phiên tòa xét xử công dân người Canada Omar Khadr, thì có đến hai phiên toà ít được quan tâm hơn cũng diễn ra. Đó chính là hai phiên xử đối với Ibrahim al Qosi, một công dân Sudan từng làm đầu bếp và lái xe cho trùm khủng bố Osama Bin Laden: Một phiên xét xử công khai đối với al Qosi và một phiên xử kín khác đối với chính nhân vật này.
Al Qosi cũng đã thừa nhận hành vi hỗ trợ vật chất cho lực lượng khủng bố. Điều này khiến al Qosi trở thành người đầu tiên “giúp” chính quyền của Tổng thống Obama thành công trong việc sử dụng Uỷ ban quân sự để khởi tố bị cáo.
|
Al Qosi |
Tuy nhiên, phiên toà xét xử công khai của Al Qosi chẳng khác gì một buổi trình diễn và phán quyết của nó được cho là chẳng có nghĩa lý gì. Bồi thẩm đoàn Ủy ban quân sự cũng rất thận trọng khi đưa ra các câu hỏi chất vấn cho thẩm phán, công tố viên và luật sư biện hộ. Cuối cùng, sau thời gian nghị án 1 giờ 20 phút, phán quyết được công bố, kết án al Qosi 14 năm tù giam - mức án cao nhất được tuyên tại Guantanmo. Trước đó, đã có một mức án 8 năm 6 tháng tù giam.
Tuy nhiên, Andrea Prasow cho rằng, mức án nói trên không thích đáng và phiên toà xét xử thực sự đối với al Qosi là phiên toà xử kín. Thẩm phán, luật sư và hội đồng cố vấn đều nhất trí cho rằng, al Qosi phải chấp hành mức án được đưa ra trong phiên xử kín. Theo họ, mức án này phải được giữ bí mật không chỉ đối với bồi thẩm đoàn mà cả đối với công chúng. Theo tờ tin tức Al Arabiya thì al Qosi sẽ chỉ phải thụ án 2 năm trước khi được đưa trở về Sudan. Nếu điều này là sự thật thì việc kết án là một chiến thắng quá tuyệt đối với luật sư biện hộ.
“Thật khó có thể truyền đạt được hết những bối rối mà thậm chí tôi - một chuyên gia giám sát và cựu luật sư biện hộ của Uỷ ban quân sự - khi chứng kiến những gì đã diễn ra rại Guantanamo vào trung tuần tháng 8 đó”.
Trong khi đó, các công tố viên tranh cãi rằng, al Qosi xứng đáng nhận mức án 15 năm tù giam, mặc dù trên thực tế không có bằng chứng nào chứng mình hành vi phạm pháp của bị cáo ngoài lời khai của một nhân viên đặc biệt của Cơ quan điều tra tội phạm hải quân (NCIS) về tổ chức al Qaeda.
Thậm chí, ngay bản thân các thành viên của bồi thẩm đoàn cũng không rõ là tại sao họ lại được đưa đến hòn đảo này để đưa ra khung phán quyết “chật hẹp” như vậy. Còn các quan sát viên nhận thấy rằng, với các cáo buộc kiểu này không có mức án thấp nhất mà mức án cao nhất chính là mức án tù chung thân.
Thỏa thuận ngầm?
Vậy tại sao lại phải đưa ra mức từ 12- 15 năm tù, một mức án được cho là đã “sắp xếp” từ trước dành cho al Qosi. Thành viên bồi thẩm đoàn cũng không hề biết rằng, chuyên gia khởi tố đối với các hoạt động hay thành viên của al Qaeda chính là một trong những nhân vật thẩm vấn quan trọng trong vụ al Qosi, cho đến khi được đưa ra khỏi hòn đảo.
Nghi vấn về vụ việc bắt đầu từ một dấu hiệu bất thường. Bắt đầu phiên xử, các bên tham gia đã nhận yêu cầu của thẩm phán - đại tá không lực Nancy Paul - dường như đó là một điều khoản đổi lại việc nhận tội của al Qosi. Theo đó, bị cáo sẽ không bị giam giữ biệt lập sau khi tuyên án, mà được phép ở lại trại 4 của nhà tù Guantanamo.
|
Một góc nhà tù Guantanamo |
Các công tố viên cho biết, vào một ngày trước phiên xử, các nhà chức trách tai Guantanamo cũng đã tuyên bố họ dự định bãi bỏ sự cách ly đối với al Qosi ngay khi bị tuyên án. Chính vì vậy, cả các công tố viên và luật sư biện hộ đều đề nghị thẩm phán ra quyết định giữ al Qosi lại trại 4 vì “đó là lời hứa của chính phủ Mỹ nhằm giữ anh ta lại trại 4 và không có quy tắc hay luật pháp nào ngăn chở điều này”.
Và vài giờ sau khi yêu cầu được đưa đến cho bồi thẩm đoàn, công tố viên yêu cầu một cuộc gặp riêng với luật sư, thẩm phán. Bồi thẩm đoàn quyết định tạm ngừng phiên toà trong 2 ngày tiếp theo.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác và công khai về việc al Qosi sẽ thụ án tại đâu và bao nhiêu lâu. “Có lẽ anh ta sẽ được trả tự do sớm đến mức hầu như chẳng có vấn đề gì từng xảy ra”, Andrea Prasow nhận định. Chỉ biết, sau khi bản án được tuyên, thẩm phán Paul tuyên bố sẽ xin nghỉ hưu.
Còn một phóng viên của tờ RFI thì nhận định, bị giam giữ tại Guantanamo từ 8 năm qua, Al Qosi đã chấp nhận hợp tác với chính quyền Mỹ để đổi lấy một bản án nhẹ hơn. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn lại không hay biết về sự cam kết bí mật này.
Mai Thy (Theo Jurist)