Xin chào, Việt Nam!

(PLVN) - Bất giác tôi nhớ tới ca khúc “Bonjour Vietnam” khi những tấm HCV tại SEA Games 32 với những lát cắt về con người Việt Nam tuyệt vời! Chiến thắng dành cho những kiên cường, sự khổ luyện bền bỉ và một tinh thần vì màu cờ, sắc áo Việt Nam…

1. Không chỉ có những nụ cười chiến thắng mà còn có đó những giọt nước mắt nghẹn ngào xúc động... Ở lần thứ ba tham dự SEA Games, võ sĩ Đinh Thị Hương cuối cùng cũng được tận hưởng cảm giác giành HCV. Giống bao VĐV khác, hành trình tới tấm HCV SEA Games 32 của Đinh Thị Hương không đơn giản. Cô đã phải tăng 11 kg trong vòng 2 tuần để đáp ứng yêu cầu thi đấu.

Cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh và Hòa Minzy tại SEA Games. (Ảnh: FBNV)

Sau trận chung kết, cô vẫn bình tĩnh nhờ đồng đội tô son cho mình trước khi trả lời phỏng vấn và khẳng định mình “tự hào là người Việt Nam” khi được hỏi về cảm xúc lúc đó.

Đáng chú ý, tại SEA Games 32, việc giành hai Huy chương vàng ở hai nội dung là 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật thi đấu sát giờ chỉ cách nhau 20 phút, Nguyễn Thị Oanh đã gây “sốt” trên các diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam và cũng khiến các đối thủ ngả mũ thán phục. Tình yêu và quyết tâm “cháy” hết mình cho Tổ quốc đã khiến cô gái này biến những điều không tưởng thành hiện thực. Nguyễn Thị Oanh là con thứ 7 trong một gia đình thuần nông ở thôn Nhuần, xã Mỹ Hà (huyện Lạng Giang, Bắc Giang)… Chia sẻ sau bục vinh quang, cô cho biết, tấm HCV cô dành tặng sinh nhật thầy giáo HLV của mình. Thầy Nguyễn Văn Sỹ đã giúp cô tập luyện với ý chí hơn người…

Nếu Nguyễn Thị Oanh tỏa sáng trên đường chạy cự ly dài, cự ly trung bình thì Nguyễn Thị Huyền được đánh giá là gương mặt bền bỉ nhất ở cự ly ngắn. Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền giành Huy chương vàng 400 m rào nữ và khẳng định vị thế của đương kim vô địch Đông Nam Á. Đây là tấm huy chương thứ ba của Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 32 và là huy chương Vàng thứ 13 của cô ở các kỳ SEA Games - một kỷ lục của Thể thao Việt Nam. Với thành tích này, nữ vận động viên người Nam Định đã đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên giành nhiều huy chương Vàng điền kinh nhất lịch sử SEA Games.

Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền giành Huy chương vàng 400 m rào nữ và khẳng định vị thế của đương kim vô địch Đông Nam Á.

2. Còn nhớ, ở giải đấu năm ngoái, những cô gái của tuyển bóng rổ Việt Nam đã giành tấm HCB lịch sử cho bóng rổ nước nhà. Thảo My - Thảo Vy hiện được cộng đồng mạng “săn lùng” khi cùng đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games đầu tiên trong lịch sử.

Để kiến tạo nên tấm HCV đầu tiên trong lịch sử này không thể không nhắc đến hai nhân vật đặc biệt là Trương Thảo My và Trương Thảo Vy. Chị em sinh đôi nhà Thảo Vy - Thảo My cùng hai đồng đội còn lại đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc ở khoảnh khắc ghi điểm cuối cùng của tuyển bóng rổ nữ Việt Nam.

Trương Thảo My (tên tiếng Anh Kaylynne Trương) và Trương Thảo Vy (Kayleigh Trương) là cặp chị em song sinh có cha mẹ là người Việt (ông Mẫn Trương và bà Katherine Nguyễn). Thảo My 1m72, còn Thảo Vy cao 1m75, cả 2 sinh ra và lớn lên tại Houston (Texas, Mỹ).

Niềm đam mê bóng rổ của Trương Thảo My - Trương Thảo Vy được truyền lại từ cha. Ông là người hâm mộ bóng rổ cuồng nhiệt. Do đó, xung quanh nhà để xe của họ luôn có những quả bóng. Một ngày nọ, My đi vào nhà để xe và vấp phải bóng. Sau đó, cô không còn hứng thú với môn thể thao này nữa. Tuy nhiên, cha mẹ đã cổ vũ hai chị em và giúp họ tiếp tục phát triển.

Tới năm lớp 8, cả hai mới thực sự nghiêm túc tập luyện khi được biết chơi bóng giỏi sẽ giúp họ giành được học bổng đại học. Thảo My cho biết: “Chúng tôi chỉ thực sự nghiêm túc với bóng rổ khi tham gia giải đấu mùa hè và HLV có nói với ba mẹ rằng, chúng tôi có thể được nhận học bổng, được chi trả học phí nhờ bóng rổ. Khi biết được điều đó, chúng tôi đã nỗ lực tập luyện để giúp đỡ ba mẹ phần nào đó về chi phí học đại học. Tôi biết chi phí khi học đại học nhiều như nào và có được nó như một sự trả ơn của chúng tôi cho bố mẹ vì những vất vả và thời gian họ bỏ ra cho chúng tôi để được luyện tập

Sau quá trình rèn luyện và phấn đấu, Thảo My cùng em của mình đã lấn sân sang thi đấu chuyên nghiệp và năm 2022 quyết định cống hiến cho màu cờ sắc áo của tuyển bóng rổ nữ Việt Nam.

Nói về tấm HCV lịch sử cùng bóng rổ Việt Nam, bố của Thảo My và Thảo Vy bày tỏ: “Hai chị em Thảo My, Thảo Vy đã sở hữu rất nhiều danh hiệu tại Mỹ. Tuy nhiên, tấm HCV SEA Games 32 rất đặc biệt, bởi cả hai giành được nó với màu áo đội tuyển Việt Nam.

“Tôi nói với mẹ rằng chúng tôi muốn đổi màu huy chương và giờ điều đó đã trở thành hiện thực. SEA Games trước, chúng tôi giành HCB và bây giờ là HCV. Tôi chỉ muốn hét lên rằng chúng tôi là chủ nhân HCV, đó là điều tôi khao khát trong sự nghiệp của mình”…

3. Và không thể không nhắc tới niềm vui vỡ òa khi chung kết bóng đá nữ SEA Games 32 khép lại với thắng lợi đầy thuyết phục dành cho tuyển Việt Nam. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đi vào lịch sử với tư cách là đội đầu tiên giành HCV ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp. Đây cũng là lần thứ 8 các cô gái Việt Nam giành vàng tại đại hội thể khu vực. Thành quả cho thấy vị thế không phải bàn cãi của tuyển nữ Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á.

Cùng với đó, những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh ca sỹ Hòa Minzy có mặt tại Campuchia để cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games năm nay. Nữ ca sĩ không chỉ gây chú ý với hình ảnh đội nón cối, mặc áo cờ đỏ sao vàng mà còn gây xúc động mạnh khi có những bộ môn chỉ mình cô là người Việt cổ động trên khán đài. Cô hát Quốc ca cùng đội tuyển và dù bé nhỏ nhưng cô vẫn cổ vũ hết mình, tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên. Cô cũng được gọi là “thánh cổ vũ” khi các trận đấu cô cổ vũ đều giành HCV. Cổ động viên Việt Nam đi tới đâu cũng gây ấn tượng trên các khán đài thể thao, bởi người hâm mộ Việt Nam luôn có thừa sự nhiệt huyết “tiếp lửa” cho vận động viên của mình. Và những hình ảnh chiến thắng quả cảm của người Việt mãi là vẻ đẹp còn đọng lại trong mắt bạn bè quốc tế…