Đành rằng đây là một hành vi phản cảm, thậm chí còn vi phạm pháp luật về quy định cấm quấy rối tình dục nơi công sở nhưng ai mà không có lúc mắc phải sai lầm, có động tác quá trớn trong lúc nhất thời bồng bột, khó chế ngự cảm xúc?
Vì thế, dư luận có thể đàm tiếu, phê phán rồi “rút kinh nghiệm”, cho qua. Thế nhưng, ở trường hợp này lại cứ nhắc lại mãi chính là do thái độ ứng xử của ông phó trong việc xử lý “khủng hoảng truyền thông”.
Ông bao biện cho hành vi của mình là “lấy điện thoại”, đã thế lại còn vu cho cô gài bẫy ông vì ông “nhiều lần nhắc nhở phê bình” cô ấy. Đến nước này thì cô tạp vụ (đã cùng chồng xin nghỉ việc về quê, đã muốn yên thân) buộc phải lên tiếng, tung ra thêm một video clip nữa, “minh bạch hóa” hoàn toàn câu chuyện.
Tất nhiên, chẳng ai tin vào chuyện lấy điện thoại giấu trong vùng nhạy cảm mà ông phó đưa ra cũng như cái việc ông bị gài bẫy, do vậy, mọi mũi nhọn dư luận lại chĩa hết về phía ông một cách không thương tiếc.
Cái sảy đã nảy cái ung do chính cách hành xử của ông mang lại. Ông sẽ phải trả giá đắt cho chuyện này, song cái giá đắt hơn rất nhiều là làm xấu đi hình ảnh người cán bộ lãnh đạo của một ngành văn hóa một tỉnh trong con mắt người dân. Một cái xoa này đã bị trả lại bằng ba cái tát của dư luận.
Ở một câu chuyện khác, cái tát thực sự dành cho cô tiếp viên hàng không trong một chuyến bay từ một khách VIP lại phô bày theo một cách khác về sự ứng xử thô lỗ với phụ nữ làm việc phục vụ khách. Cũng là quan hệ giữa những người được phục vụ và những người phục vụ, nhưng một đằng là sàm sỡ và đằng này là thô bạo, cả hai đều không thể chấp nhận được bởi bất cứ lý do gì.
Tuy nhiên, cũng như ông phó, ông VIP bào chữa cho hành vi của mình là “có uống rượu nhưng vẫn kiểm soát được”, điện thoại của ông nhiều lần trên máy bay “không tắt bao giờ”. Rõ ràng, ông tự vạch áo những vi phạm của ông, tỏ rõ thói ngạo mạn coi thường những quy định an toàn hàng không.
Ông VIP đã phải trả giá bằng phạt tiền, cấm bay nhưng dư luận chưa bằng lòng với sự trừng phạt đó, họ muốn từ ông một lời xin lỗi công khai, đề nghị cô tiếp viên bị ông tát kiện ra tòa vì hành vi xúc phạm danh dự, thân thể con người.
Hai hành vi phản cảm từ những con người được coi là tầng lớp có học thức, địa vị xã hội đã gây bất bình và sự phê phán của dư luận xã hội. Điều đáng chú ý ở đây là, sau các hành vi thiếu văn hóa đó, người gây ra thường tìm cách bao biện, bào chữa cho mình. Cái này đã là hiệu ứng của một số người trước những sai phạm, trở thành một hiện tượng mang tên “văn hóa đổ lỗi”!.