Xót xa những "giấc mộng" trời Tây

Bị cáo và bị hại trong một vụ xuất khẩu lao động trái phép đều là những người đàn bà chịu thương chịu khó. Họ đến với nhau xuất phát từ thiện chí giúp nhau đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo. Nhưng vì lòng tham, cộng với sự thiếu hiểu biết pháp luật lại cả tin nên họ đã “vô phúc đáo tụng đình”, trở thành người đối lập quyền lợi ở hai chiến tuyến ở vụ án.

Bị cáo và bị hại trong một vụ xuất khẩu lao động trái phép đều là những người đàn bà chịu thương chịu khó. Họ đến với nhau xuất phát từ thiện chí giúp nhau đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo. Nhưng vì lòng tham, cộng với sự thiếu hiểu biết pháp luật lại cả tin nên họ đã “vô phúc đáo tụng đình”, trở thành người đối lập quyền lợi ở hai chiến tuyến ở vụ án.

é567e7

Các bị hại mang nỗi buồn đến dự Tòa

1. Bị cáo Dương Minh Thúy (31 tuổi, quê Đình Cả, Nội Duệ, Bắc Ninh) - người bị cáo buộc cầm đầu đường dây môi giới lao động xuất khẩu lao động trái phép từng có thời gian đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan với ngành nghề là giúp việc gia đình. Thúy đã có chồng là Vũ Thế Tuấn (39 tuổi, ở cùng xã, làm thợ xây) và hai con, nhưng do vợ chồng không nghề nghiệp nên đành phải rời xa mái ấm gia đình sang làm ô sin ở xứ người.

Đảm đang và tháo vát, trong thời gian lao động ở nước sở tại, Thúy đã tự học hỏi và có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Trung. Năm 2005, Thúy về nước mở Văn phòng tư vấn giới thiệu việc làm Phúc Tâm, chuyên môi giới việc làm cho người lao động. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm trong những năm làm thuê ở Đài Loan, Thúy đã móc nối với một số công ty có chức năng xuất khẩu lao động để đưa người đi xuất khẩu lao động. Trong đó, Thúy trực tiếp đứng ra dạy tiếng Trung và truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân mình cho những người lao động.

Năm 2006, biết thị trường đặc khu hành chính Ma Cao có nhu cầu tuyển lao động, Thúy đã liên lạc với công ty môi giới lao động sở tại để đưa người lao động sang Ma Cao. Do đặc điểm của đặc khu hành chính Ma Cao là không ký kết hợp đồng lao động cấp nhà nước với bên cung ứng lao động, nên Thúy đã đưa người lao động bằng visa du lịch, sau đó nhờ công ty môi giới nước sở tại tìm việc, làm thẻ cư trú cho những lao động này.

Thúy thu của mỗi lao động khoảng 1.000-1.500 USD, theo Thúy, trừ tất cả các chi phí, mỗi trường hợp môi giới trót lọt bị cáo được hưởng lợi chỉ khoảng 100-150 USD. Để có được món tiền “hoa hồng” trên, Thuý đã phải lôi kéo cả chồng là Vũ Thế Tuấn phụ giúp mình làm xe ôm đưa đón người lao động đi làm các giao dịch, thủ tục phục vụ cho việc xuất cảnh, chở người lao động ra sân bay.

Thậm chí, chính bản thân Thúy là người trực tiếp dẫn người lao động sang Ma Cao giao tận tay nhân viên công ty môi giới tìm việc. Do không tìm được công việc đúng như mong muốn, nhiều người lao động đã bỏ về nước trước thời hạn cư trú và tố giác đường dây của Thúy ra cơ quan công an.

Vợ chồng Thúy - Tuấn bị truy tố, xét xử về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép”. Dù vợ chồng Thuý đã bỏ ra toàn bộ số tiền hoa hồng để bồi thường cho các bị hại nhưng vẫn không thoát tội. Hơn 2 năm qua, Thúy bị bắt tạm giam chờ hầu tra, để chồng là Tuấn trong tình trạng bị cấm đi khỏi nơi cư trú, một mình nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.   

2. Cả 34 bị hại trong vụ án đều là phụ nữ trẻ, đều đã có gia đình; nhiều người trong số họ từng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cũng vì miếng cơm manh áo mà những người đàn bà này phải từ giã mái ấm gia đình, xa chồng, xa mẹ già con dại để đi làm thuê xứ khác.

Trình bày trước Tòa, chị Tuyết (30 tuổi, quê Hải Dương) cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chạy vạy vay mượn mãi mới được 18 triệu đồng (quy đổỉ thành 1.200 USD), nộp cho vợ chồng Thúy - Tuấn để làm thủ tục đi lao động sang Đài Loan.

Thúy hứa hẹn sẽ đưa chị Tuyết sang đó làm việc trong công xưởng, ngày làm 8 tiếng với mức lương thỏa đáng. Nhưng tới nơi, chị Tâm té ngửa khi được biết mình bị tống vào nhà trọ, cấm tự do đi lại, bắt ký vào đăng ký kết hôn giả với người bản địa để làm thẻ cư trú.

Thoạt đầu, chị Tâm không đồng ý, cho rằng mình đang có chồng con ở quê, sao lại phải kết hôn? Nhưng vì trót đã “lỡ bước sa chân”, cần việc làm nên chị đành phải nhắm mắt ký liều để có cơ hội kiếm việc làm. Mấy tháng lang thang tìm việc, chị Tâm bị giới thiệu nhiều công việc nhưng không đúng như thỏa thuận nên bỏ về nước.

Tương tự, chị Hương (32 tuổi, quê Hưng Yên) cũng bị ép ký vào giấy đăng ký kết hôn giả với người Đài Loan. Chị Hương trình bày đầy xót xa: “Trở về, tiền mất tật mang, tôi còn bị gia đình chồng nghi ngờ về việc sang bên đó lấy chồng.

Dù tôi có trăm lần giải thích rằng việc kết hôn là giả mạo, đó chỉ là cái cớ để được ở lại nước sở tại kiếm việc làm nhưng tình ngay lý gian, chồng tôi nào có tin. Giờ tôi đã mất tất cả...”. Bi hài nhất là hoàn cảnh của chị Y. (36 tuổi, quê Bắc Ninh) được hứa hẹn đưa sang Ma Cao bằng visa du lịch để làm công nhân, nhưng khi sang nước sở tại thì chị Y. được giới thiệu làm ô sin cho một gia đình có hai đứa con trai 15 và 17 tuổi.

Hàng ngày, người đàn bà mảnh mai này phải đứng làm “bao cát” để hai “võ sĩ” đang tuổi bẻ gãy sừng trâu luyện võ. Bất đồng ngôn ngữ nhưng nếu chị Y. có thái độ chống đối là sẽ bị ra đòn nặng hơn. Hoảng sợ, chị Y. đành bỏ của chạy lấy người.

3. Nhìn cảnh những người bị hại lặn lội đến Tòa với hy vọng sẽ đòi lại được số tiền đã nộp cho các bị cáo để trang trải nợ nần, người ta không khỏi xót xa. Khi được biết mình sẽ phải tự chịu những chi phí hợp pháp như vé máy bay, phí ăn ở đi lại..., những người đàn bà cười như mếu: “Chúng tôi nghèo chẳng đủ ăn, bỗng dưng lại đi vay nợ để sang Ma Cao du lịch?”. Nhưng không thể phủ nhận, bị hại cũng có lỗi khi họ đã thiếu hiểu biết, lại quá cả tin để rồi mắc bẫy “cò” lao động.

Vụ án này với họ như một giấc mơ buồn, nhưng dư âm của nó còn đọng lại thì vô cùng xót xa và đau đớn./.

Nguyễn Lê

Đọc thêm