Dự báo năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe và tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch quốc tế; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; và với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Đáng lưu ý, nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi).
Sự phát triển của công nghệ thông tin được đánh giá là đã làm thay đổi phương thức tiếp cận và chia sẻ thông tin của khách du lịch, đặc biệt là ảnh hưởng của mạng xã hội và các ứng dụng trên internet, điện thoại di động ngày càng phổ biến, đòi hỏi cơ quan quản lý các điểm đến phải thay đổi phương thức xúc tiến quảng bá và định hướng thị trường.
Chính sách mở cửa quốc tế, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh là xu hướng chung trên thế giới trong những năm vừa qua. Theo Báo cáo về mức độ mở cửa liên quan đến thị thực nhập cảnh, tỷ lệ khách du lịch quốc tế cần thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới đã giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 61% năm 2015.
Tại phiên họp thứ 54 của Ủy ban Phát triển Xã hội, tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun tuyên bố năm 2017 sẽ là “Năm của phát triển du lịch bền vững” (nằm trong khuôn khổ Chương trình nghị sự về phát triển bền vững toàn cầu, tầm nhìn đến năm 2030 của Liên hợp quốc). Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế thế giới.
Ở mức khu vực, Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) và Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng, sự tăng trưởng cao của du lịch Châu Á – Thái Bình Dương trong những năm vừa qua đồng nghĩa với việc du lịch khu vực cần có trách nhiệm lớn hơn đối với mục tiêu phát triển toàn cầu này.
Du lịch nội vùng Châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng là nhân tố dẫn đầu quá trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Nhưng những năm gần đây, kinh tế khu vực có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Liên Hợp quốc lo ngại tình trạng nói trên có thể gây trở ngại cho Chương trình phát triển bền vững toàn cầu.
Một trong những giải pháp chính được Liên hợp quốc đưa ra là ưu tiên các kế hoạch trung hạn và khuyến khích tiêu dùng trong nước. Đối với du lịch, trong bối cảnh kinh tế giảm sút, người dân có dấu hiệu giảm nhu cầu đi du lịch nước ngoài hoặc những nơi có khoảng cách xa, PATA và UNWTO khuyến nghị các nước nên quan tâm hơn tới du lịch trong nước để duy trì và đóng góp vào sự phục hồi kinh tế, xã hội.
Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai nhấn mạnh: “Để đạt được con số 1,8 tỉ khách du lịch quốc tế vào năm 2030, thì du lịch và hàng không phải luôn sát cánh bên nhau”. Bên cạnh đó, Ủy ban Hàng không dân dụng của Liên hợp quốc kêu gọi đơn giản hóa các thủ tục bay, bảo đảm an toàn bay và tạo thuận lợi đi lại toàn cầu.
Hành động hợp tác mạnh mẽ nhất giữa du lịch và hàng không vừa qua là “Tuyên bố chung Medellin” về hợp tác phát triển Vận tải hàng không và Du lịch, giữa UNWTO và Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) bên lề Phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Thế giới lần thứ 21 tại Colombia./.