Xứ Kiểng Cái Mơn: Hương sắc tài tình

(PLO) - Cái Mơn nổi tiếng xứ Sầu Riêng, Măng Cụt. Cái Mơn còn là vườn hoa kiểng khổng lồ làm tươi sắc tết cho Sài Gòn và cả Miền Nam. Nhà vườn Cái Mơn không chỉ là nông dân mà là “nghệ nhân” miệt vườn gói trong bông hoa, cây kiểng chút tình đất, tình người.
Xứ Kiểng Cái Mơn: Hương sắc tài tình

Ai từng là khách của khu La Cai (đường Nguyễn Tri Phương) hay chợ Bến Thành đều hiểu luật bất thành văn: cũng là Sầu Riêng, Măng Cụt nhưng nếu dán thêm cái mác Cái Mơn giá chắc chắn sẽ cao hơn vài ba chục phần trăm.

 Ngày nay, Cái Mơn còn là vườn ươm nhiều giống Sầu Riêng thượng hạng như Cơm vàng RI 6, Cơm sữa Chín Hóa, Mỏn Thon… trồng ở khắp Miền Nam, Miền Đông và cả Tây Nguyên. Trong các khu chợ hoa tết từ Sài Gòn đến các tỉnh, non phân nửa các loại hoa kiểng cũng xuất phát từ Cái Mơn.

Đất lành, cây ngọt và trái ngọt

Cái Mơn độc đáo, phồn thịnh như vậy nhưng không có tên trong bản đồ hành chính vì đó là tên dân gian một vùng trong huyện Chợ Lách, Bến Tre, trung tâm là xã Vĩnh Thành. Cái tên Cái Mơn có nhiều cách giải thích: có truyền thuyết cho rằng tên gốc là Kha Mân nghĩa là "tổ ong", thiên nhiên ưu đãi hoa trái sum suê bốn mùa  réo gọi ong bướm tụ về, sau đó đọc trại là "Cái Mơng". Truyền thuyết khác cho là vùng rạch Cả Mân - đọc trại ra Cái Mơn.

Theo tư liệu của Công Giáo thì Cái Mơn do từ Caïman tiếng Pháp đọc trại ra. Caïman là con Sấu mỏm dài. Ngày nay tại đây có cây cầu Giàn Sấy, nơi xưa kia người Khmer phơi sấy cá. Những giáo dân lánh nạn cấm đạo từ Miền Trung đã vào đây khai phá từ năm 1702. Các giáo sĩ thừa sai đã tạo dựng nhà thờ Cái Mơn đồng thời phổ cập kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến của châu Âu và những giống cây trồng mới.

Đó chính là tiền đề để vùng đất cồn phù sa của Cái Mơn trở thành “xuất xứ hàng hóa”, “thương hiệu cao cấp”. Cũng chính từ nguồn căn đó, đất Cái Mơn đã sản sinh ra học giả Pertrus Trương Vĩnh Ký.

Ái mộ vùng đất ngọt, cây lành, hoa đẹp này, giáp tết Bính Thân, tôi đáp xe máy đến Bến Tre nhờ Nguyễn Khoa Chiến báo Thanh Niên “dẫn đạo” về Cái Mơn thưởng ngoạn kiểng tết. Gã trai Huế chọn Bến Tre làm quê hương hơn 30 năm này hiểu Bến Tre hơn cả người bản địa, đã giảng giải tổng thể về hoa kiểng Cái Mơn và đưa tôi đến những địa chỉ độc đáo, đỉnh cao nghệ thuật hoa kiểng.

Tiếp thị trên mặt dòng kênh

Hóa ra hoa kiểng Cái Mơn đã lớn mạnh hơn sức tưởng tượng của nhiều người. Về địa giới, vùng trồng hoa đã mở rộng ra nhiều xã của Chợ Lách như: Tân Thiềng, Long Thới, Sơn Định, Hưng Khánh Trung B... thậm chí lan sang cả một số xã của huyện Mõ Cày Nam.

Về chủng loại: từ kiểng cổ, các loại cây, hoa tết (Quất, Mai, Cúc, Vạn Thọ….), kiểng thú truyền thống, Cái Mơn đã khai sinh thêm nhiều chủng loại mới như kiểng Bonsai (chế tác từ nhiều loài cây Mai, Kim Quýt, Sanh…), kiểng Lá (Cau Vàng, Phát Tài) dành cho các cửa hàng bán hoa tươi, kiểng Treo với nhiều giống cây mới (Dừa Cạn, Lan Son Môi, Dạ Yến Thảo) hoa đẹp lạ giá bán rất mềm dành cho khách bình dân lẫn người khá giả.  

Đúng như lời Khoa Chiến, đi trên Quốc Lộ 57 từ TP. Bến Tre về Cái Mơn, vừa lọt vô địa phận Mõ Cày Nam chúng tôi lạc vào thế giới rực rỡ sắc màu của đủ mọi loài hoa. Đất không còn rộng, nhà vườn ở đây đã tận dụng trồng hoa nhiều tầng: trên mặt đất là Cúc Đồng Tiền, Vạn Thọ, không gian phía trên lại đóng giàn trồng các loại kiểng treo.

Chừng như không có tấc đất nào bỏ phí, kiểng bao quanh nhà, phủ kín sân, thậm chí trồng sát thềm nhà. Các hàng rào, bờ dậu, tường nhà cũng được tận dụng treo hoa kiểng. Dưới chân cầu Cái Mơn, chúng tôi rẽ vào xã Vĩnh Thành viếng nhà bia học giả Petrus Trương Vĩnh Ký. Khoảng sân chung quanh nhà bia này cũng rợp một màu xanh của Vạn Thọ đang vừa hé nụ chuẩn bị xuất hàng ra chợ.

Con rạch nhỏ bên đường vào nhà bia cũng được tận dụng bắc sào treo những dãy Dạ Yến Thảo đủ màu chào đón khách. Hỏi thăm mới biết, chủ nhà vườn không chỉ tận dụng mặt nước trồng hoa, đây còn là cách tiếp thị với thương lái vì vườn kiểng của anh bị khuất sau bờ lá dừa nước. Cách tính toán của nhà vườn ở đây tinh tế đến chỉnh chu.

Trở lại Quốc Lộ, càng đi về trung tâm xã Vĩnh Thành, điểm rốn của Cái Mơn, mật độ, sắc độ của hoa kiểng càng dày đặc và rực rỡ hơn. Kiểng tràn ra lề đường, nhiều con thú kiểng Nai, Voi bằng cây Bùm Sụm như ngửng đầu chào khách. Có cả những nhà chòi, tấm bình phong bằng cây kiểng. Tôi thích thú dừng xe định chụp hình nhưng Khoa Chiến khoát tay lắc đầu giục đi tiếp, anh nói rằng đó chưa phải đỉnh cao. Tôi thắc mắc chưa biết đỉnh cao sẽ đến mức nào và cắm cúi chạy theo anh. 

Cả tòa nhà kiểng đi máy bay sang Singapor! 

Thắc mắc của tôi được giải đáp khi cái tháp Effel kiểng cao hơn 10 mét hiện ra bên lề đường. Tiếp đó là một khu nhà dài hơn 50 mét mà từ cột vách, mái đều là cây xanh rợp. Cạnh đó, mấy ngôi nhà nhỏ làm chỗ đậu xe cũng xanh mát một màu. Làm nhà bằng kiểng che mát cho người đã là thú vị, làm kiểng che mát cho xe quả là sự ưu ái hiếm hoi.

Khoa Chiến giải thích, đây là quán nước, vườn kiểng của nghệ nhân Năm Công, “vua” kiểng Thú. Thật vậy, đàng sau ngôi nhà xanh làm quán nước là một “đàn thú” kiểng đủ cả gà, dê, voi, rồng, …Bắt đầu từ những con thú, nghệ Nhân Năm Công như có phép mầu biến hóa cây cỏ làm ra muôn hình vạn trạng các vật thể trên đời. Từ phát kiến của Năm Công, kiểng thú, kiểng Cảnh đang lan rộng khắp Chợ Lách.

Một đàn con vật bằng kiểng sau quán Năm Công
Một đàn con vật bằng kiểng sau quán Năm Công

Khách hàng từ Singapor tìm đến đặt hàng, ông Năm Công đã thiết kế thành công những bộ kiểng quy mô lớn, tháo rời đưa sang Singapor bằng máy bay và ráp lại thành cảnh vật theo yêu cầu của khách. Xuất khẩu cây kiểng bằng đường hàng không đã là chuyện hiếm, đưa những “công trình”kiểng lớn bằng cả tòa nhà đi máy bay ra nước ngoài lại càng hiếm.

Làm được chuyện ấy hẳn tài hoa lắm, thế nhưng tôi được diện kiến một nghệ nhân Năm Công bằng xương bằng thịt hiền lành, ôm cháu ngồi điềm nhiên trong ngôi nhà xanh, chất phác như người nông dân. Hỏi về nghề, ông nói nhẹ khô: “Có bí quyết gì đâu, ăn thua là ham thích, quen tay, quen mắt vậy thôi!”

Mười năm chế tác cây Vú Sữa Tứ Linh

Điểm đích mà Khoa Chiến đưa tôi đến là cây Vú Sữa Tứ Linh của nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên ngụ ấp Quân Phong, Tân Thiềng, Chợ Lách, Bến Tre, ông “Vua” Mai Cổ. Ngón nghề của ông Nhiên là sưu tầm những cây Mai lão không có hình thế đẹp và chế tác lại kiểu dáng thành cây kiểng quý. Nhiều năm trước ông tình cờ mua được một cây Vú Sữa có hai bộ rễ, một ở gốc một ở thân.

Đầu tiên ông định chế tác cây này theo hình thế khác nhưng dần dần theo thời gian và sự phát triển của cây, ông đã tạo thành thế Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Phần thân chính của cây với hai bộ rễ là thân Rồng, bốn nhánh tỏa ra bốn hướng tạo dáng thành đầu Rồng và Lân, Quy, Phụng.

Đặc biệt công phu là phần thân và chân rồng được ông Nhiên chạm khắc trong nhiều năm trời, vết chạm khắc nay đã liền da, sinh động tự nhiên như là vảy thật có cả móng vuốt. Với dân nghề Kiểng, Vú Sữa không phải là loại cây quý nhưng cây Tứ Linh của ông Nhiên được xem là kỳ tích về sáng tạo, công phu, năm trước, có người trả giá đến 300 triệu đồng mà ông chưa bán.

Không bán không phải vì muốn nâng giá mà chưa cần tiền nên muốn giữ lại để ngắm. Ngoài Tứ Linh, trong vườn nhà ông Nhiên còn có nhiều cụ lão mai đã trên dưới trăm năm tuổi mà vẫn còn sung mãn vươn cành tạo dáng báo hiệu cho mùa hoa tết rực vàng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên và phần thân Rồng của cây Tứ Linh
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên và phần thân Rồng của cây Tứ Linh

Ngày nay, với người Việt cá thịt không còn hiếm, bánh mứt không thiếu thốn, niềm vui thanh nhã ngày tết của mọi gia đình là sắc màu hoa kiểng, Cái Mơn là nguồn cung ứng. Nói cách nào đó hương sắc Cái Mơn đã đem lại niềm vui cho mọi nhà. Chính vì vậy, không khí tết ở Cái Mơn sớm hơn mọivùng miền khác.

Từ rằm đến hai mươi ba tháng chạp, Cái Mơn tấp nập xe, ghe tàu. Những sắc màu, dáng hình độc đáo của Cái Mơn bắt đầu tỏa đi khắp các thị thành chợ gần chợ xa. Những năm trái gió trở trời, mai nở sớm, Cái Mơn buồn, chợ tết cũng kém vui.

Nhưng dù thời tiết có khắc nghiệt, ông trời trớ trêu làm khó đến mấy thì những nhà vườn, nghệ nhân Cái Mơn như Năm Công, ông Nhiên vẫn có cách của mình để ít nhiều đem đến sắc màu tết cho mọi người. Đó là hương sắc của tài hoa và tình yêu thiên nhiên, con người.