"Xử lý mạnh nạn tham nhũng, không chừa một ai!"

 Chiều qua (16/9), Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc đầu tiên với Văn phòng BCĐ kể từ khi nhận nhiệm vụ mới...

 


Chiều qua (16/9), Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc đầu tiên với Văn phòng BCĐ kể từ khi nhận nhiệm vụ mới.


Xuất hiện tâm lý ngại va chạm

Theo báo cáo do Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ TƯ Phạm Anh Tuấn trình bày, trong thời gian qua, công tác PCTN đã có chuyển biến tích cực. Cùng với việc triển khai đồng bộ và khá toàn diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường, tạo sự răn đe, góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Mặc dù vậy, công tác PCTN trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp, là mối quan tâm lớn của Đảng và toàn xã hội. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, trong đó do vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của công tác PCTN. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu hiện rất ít. Đặc biệt, do cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, thiếu đồng bộ, bất cập. Các qui định cụ thể về PCTN chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, một số giải pháp PCTN chưa thật hiệu quả. Thiếu các qui định và biện pháp cần thiết cho công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng. 

Bên cạnh đó, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp và nguy hiểm, xảy ra trên phạm vi rộng, đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, một số người có nhiều công lao, thành tích và cống hiến nên việc phát hiện xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tiền lương hợp lý để PCTN

Trong nhiệm kỳ 2011-2015, để đẩy lùi tham nhũng, BCĐ TƯ về PCTN xác định cần đẩy mạnh CCHC và hoàn thiện các qui định nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng nguồn lực công, qui định về thuế tài sản và việc bắt buộc đăng ký bất động sản; cải cách cơ bản chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo đảm để cán bộ, công chức có mức thu nhập tương đương mức thu nhập khá trong xã hội, thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù… Khắc phục tính hình thức, kém hiệu quả của một số biện pháp phòng ngừa; có qui định công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động tố tụng và thi hành án… Ngoài ra, cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức quần chúng và của toàn xã hội, nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí trong PCTN.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động của văn phòng BCĐ thời gian qua nhưng lưu ý, cần nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ về mô hình, cơ chế hoạt động của văn phòng ban chỉ đạo cho hiệu quả hơn trong thời gian tới. Phó Thủ tướng  khẳng định, công tác PCTN cần chủ động kiên trì phấn đấu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính, củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Đồng thời, công tác PCTN cần có những hoạt động cụ thể thiết thực và “đi vào lòng dân với các biện pháp xử lý mạnh hơn, không chừa một ai” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Huy Anh

Đọc thêm