Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) kiểm điểm, làm rõ những sai phạm của các tập thể, cá nhân để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật…
Hỗ trợ … nhầm
Các sai phạm này bắt nguồn từ việc VIB hỗ trợ lãi suất “ngoài luồng”, không đúng đối tượng.
Theo Thanh tra Chính phủ, căn cứ các quy định của NHNN về cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng như các văn bản hướng dẫn khác, kết quả xác minh cho thấy, VIB đã tiến hành hỗ trợ lãi suất cho nhiều doanh nghiệp (DN) không nằm trong danh mục đúng như quy định.
Trong đó, Cty cổ phần thép Việt Thanh được VIB hỗ trợ lãi suất sai quy định số tiền là 131, 4 triệu đồng. Cty cổ phần quốc tế Hòa Bình là 119 triệu đồng, Cty cổ phần XNK Petrolimex là 218 triệu đồng. Các công ty khác như Cty cổ phần quốc tế Hòa Bình, Tcty khoáng sản Việt Nam, Cty TNHH Hoàng Sơn, Cty TNHH thương mại và dịch vụ Thái Sơn … cũng được VIB hỗ trợ lãi suất “trái” quy định.
Vay hỗ trợ lãi suất rồi … cho vay lại
Điển hành cho hoạt động “vay lại” này là Tcty khoáng sản Việt Nam. Mặc dù doanh nghiệp này được VIB cho vay tiền và đã được hỗ trợ lãi suất, nhưng sau đó, DN nói trên đã cho các DN khác vay lại.
Cty TNHH Việt An và Tcty may Đức Giang cũng được VIB cho vay (có hỗ trợ lãi suất), nhưng cả hai DN này lại cho các cá nhân, tổ chức vay lại hoặc gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng để hưởng lãi suất cao.
Thanh tra Chính phủ cũng xác định, mặc dù Cty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu, Cty Cổ phẩn sản xuất – xuất nhập khẩu Đại Đoàn Kết không có chứng từ hợp lệ khi vay vốn, nhưng VIB vẫn tiến hành giải ngân, trong đó số tiền hỗ trợ lãi suất lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tại Cty EVN Telecom, ngân hàng này đã hỗ trợ lãi suất sai quy định lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ sai lãi suất cũng được VIB thực hiện với Cty TNHH TM & DL Trung Dũng (Cty Trung Dũng).
Trong khi DN này là đại lý cấp 1 của Cty Gang thép Thái Nguyên, nên theo quy định trong hợp đồng đại lý thì hàng hóa giao cho đại lý chưa tiêu thụ thuộc sở hữu của bên giao đại lý, bên nhận đại lý có trách nhiệm bán hàng hưởng thù lao, bán theo đúng giá do bên giao đại lý quy định, bán hàng phải thu tiền ngay, tiền bán hàng xong phải thanh toán cho bên giao đại lý.
Căn cứ vào giá trị của hàng hóa đã bán, bên giao đại lý mới phát hành hóa đơn GTGT cho đại lý. Theo hợp đồng, Cty gang thép Thái Nguyên phát hành hóa đơn GTGT cũng là lúc hàng hóa đã được tiêu thụ và thu được tiền.
Trong khi đó, kiểm tra 19 khế ước vay vốn của Cty Trung Dũng (vay để thanh toán tiền thép cho Cty Gang thép Thái Nguyên) thì toàn bộ các hóa đơn GTGT của Cty gang thép Thái Nguyên phát hành cho Cty Trung Dũng đều phát sinh trước thời điểm giải ngân. Cơ quan chức năng xác định, VIB đã cho Cty Trung Dũng vay để thanh toán hàng hóa đã được tiêu thụ.
Tương tự các doanh nghiệp nói trên, VIB đã cho vay và hỗ trợ lãi suất không đúng quy định đối với các khoản vay để thanh toán mua hàng hóa, chi phí sản xuất – kinh doanh đã được tiêu thụ trước khi giải ngân đối với 8 DN khác.
Tài liệu cho thấy, năm 2009, có 13 DN có nguồn vốn dư thừa gửi tại các ngân hàng khác hoặc cho các DN khác vay với lãi suất cao, sau đó vay VIB để được hỗ trợ lãi suất của Nhà nước.
Liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm này, cơ quan chức năng xác định Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VIB, những các nhân trực tiếp thẩm định … phải chịu trách nhiệm.
Cơ quan chức năng cho biết, trong quá trình cho vay có hỗ trợ lãi suất, VIB đã mắc các khuyết điểm như cho vay sai đối tượng, cho vay để thanh toán mua hàng hóa, chi phí sản xuất kinh doanh đã được tiêu thụ trước khi giải ngân, cho vay với bộ chứng từ không hợp lệ.
VIB có trách nhiệm thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng quy định trên 30 tỷ đồng của 78 khách hàng để trả ngân sách Nhà nước.
Nhóm PV