Theo tờ trình của Chính phủ, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”(VAMC) đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định .
Tuy nhiên quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Quá trình tổng kết cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn này là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Từ những thực tế này, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Theo đề xuất của Chính phủ, Nghị quyết gồm 18 Điều với nội dung cơ bản sau đây:
Về phạm vi điều chỉnh và khái niệm nợ xấu: Dự thảo Nghị quyết quy định việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Để thực hiện mục tiêu xử lý nhanh, triệt để xử lý nợ xấu, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là toàn bộ nợ xấu hiện tại và nợ xấu sẽ phát sinh trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về khái niệm nợ xấu để xác định phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết. Theo đó, “nợ xấu là các khoản nợ không có khả năng thu hồi hoặc được đánh giá không có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi khi đến hạn thanh toán, được phân loại vào nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có nguy cơ mất vốn”. Hiện tại quy định về phân loại nợ đã được NHNN ban hành đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, do vậy, không cần phải ban hành văn bản hướng dẫn khi Nghị quyết có hiệu lực. Chi tiết của việc phân loại nợ này được đề cập tại Phụ lục 1 đính kèm.
Theo dự thảo Nghị quyết TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC phải có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản một khoản nợ cụ thể là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo cơ sở cho các cơ quan nhà nước (cơ quan thi hành án, cơ quan thuế, …) áp dụng các chính sách tại Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung nhiều quy định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm của; về thuế, phí; Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và quyền xử lý tài sản bảo đảm ; Về phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu; Quyền chủ nợ và phát triển thị trường mua bán nợ; Về xử lý tài sản bảo đảm...
Theo tờ trình của Chính phủ, nếu được ban hành, Nghị quyết này sẽ được thực hiện trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp đầu năm 2022./.