Xử lý ô nhiễm đất hiệu quả bằng công nghệ CHLB Đức

Các chuyên gia từ CHLB Đức đang có mặt tại Việt Nam nhằm khảo sát và  hợp tác chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm đất đai bằng công nghệ sinh học. Trao đổi với PLVN Online chiều nay, 2.3, ông Hermann Kahle, giám đốc dự án, công ty BioSoil Service GmbH cho biết các mẫu đất bị ô nhiễm mà ông lấy từ các vùng ở Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được, hiệu quả lên tới 100%.

Các chuyên gia từ CHLB Đức đang có mặt tại Việt Nam nhằm khảo sát và  hợp tác chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm đất đai bằng công nghệ sinh học. Trao đổi với PLVN Online chiều nay, 2.3, ông Hermann Kahle, giám đốc dự án, công ty BioSoil Service GmbH cho biết các mẫu đất bị ô nhiễm mà ông lấy từ các vùng ở Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được, hiệu quả lên tới 100%.

“Công ty BioSoil Service GmbH chúng tôi chuyên nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học nhằm cải tạo đất, chống suy thoái đất, đặc biệt là các khu vực tồn dư các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm của chúng tôi có thể được hiểu như một loại phân hữu cơ vi sinh, cách thức sử dụng là chôn lấp xuống đồng ruộng để tạo các vi khuẩn có ích, triệt tiêu vi sinh vật có hại, cải tạo đất. Sử dụng công nghệ này không làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như chất lượng nông sản. Chúng tôi có phòng nghiên cứu phát triển các giải pháp để xử lý tồn dư thuốc và phòng nghiên cứu chống xói mòn đất và sử dụng các công nghệ khác nhau để xử lý các tình trạng ô nhiễm của đất và cả mặt nước ngầm”.

Ông H.k
Ông Hermann Kahle, giám đốc dự án, công ty BioSoil Service GmbH

Công ty BioSoil Service GmbH chắc hẳn đã nghiên cứu tình hình đất đai bị ô nhiễm, xói mòn của Việt Nam , liệu công nghệ của các ông có thể là một giải pháp tối ưu không, thưa ông?

Năm ngoái tôi được tổ chức RES chuyên về công nghệ sinh học mời tới hợp tác cùng nghiên cứu và công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) cũng mời chúng tôi tới Việt Nam. Chúng tôi đã đọc một số báo cáo và hiểu rằng đất đai ở Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng, một phần do chiến tranh để lại, một phần do thói quen sử dụng các loại hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật của người dân Việt Nam. Qua các đợt khảo sát, chúng tôi mong muốn hợp tác với công ty AIC để đưa ra các giải pháp thích hợp cho tình trạng ô nhiễm đất ở Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam đã thực hiện chiến lược phát triển công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng như cải tạo đất, chống lại hiện tượng biến đối khí hậu. Một số công nghệ đã được áp dụng như sản xuất các chế phẩm sinh học bằng công nghệ Nano, vậy công nghệ của BioSoil Service GmbH có điểm gì ưu việt, thưa ông?

Công nghệ của chúng tôi chi phí rẻ hơn nhiều so với công nghệ khác trong đó có công nghệ Nano. Về hiệu quả, sử dụng công nghệ của chúng tôi tác động ngay trực tiếp, phương pháp chôn lấp  đã phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Người nông dân Việt Nam cũng đã quen với việc ủ phân bón theo cách thức chôn lấp, do vậy khi đưa công nghệ của chúng tôi vào sẽ dễ sử dụng, chi phí thấp và nhìn thấy hiệu quả ngay. Công nghệ của chúng tôi chỉ phải xử lý một lần, sau đó có hiệu quả ngay, hiệu quả sau cải tạo đất đạt tới 100%.

Giải pháp của chúng tôi là xử lý con khuẩn trong đất, đất bị ô nhiễm do ngành công nghiệp gây ra hay người nông dân gây ra chúng tôi đều có giải pháp cho mảnh đất ô nhiễm đó. Qua nghiên cứu một số mẫu công ty AIC chuyển cho chúng tôi lấy từ một số vùng AIC đang triển khai dự án chúng tôi khẳng định hoàn toàn có thể xử lý được.

Việt Nam cũng như nhiều nước khác đều đang mong muốn có giải pháp tối ưu để xử lý vấn đề đất và nguồn nước bị ô nhiễm. Sử dụng công nghệ sinh học chi phí rẻ hơn những công nghệ khác, vấn đề là cách thức ứng dụng cho thích hợp mà thôi. Công nghệ của chúng tôi đã được chính phủ Đức cho phép ứng dụng và chúng tôi đã thành công tại nhiều vùng trên nước Đức.

Môi trường đất đang bị ô nhiễm nặng nề- ảnh MH
Môi trường đất đang bị ô nhiễm nặng nề- ảnh MH

Vậy BioSoil Service GmbH dự định chuyển giao công nghệ hay liên doanh sản xuất tại Việt Nam?

Trước tiên chúng tôi hợp tác với AIC để thực hiện trên một vùng dự án sau đó sẽ có phương án hợp tác cụ thể. Chúng tôi mong muốn hợp tác lâu dài với AIC để triển khai công nghệ này tại Việt Nam..

Từ những thành công tại Đức, ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam về vấn đề cải tạo đất đai bằng công nghệ mới?

Ở Đức chủ yếu chúng tôi xử lý việc ô nhiễm tầng nước ngầm cho các nhà máy công nghiệp thải hóa chất độc hại. Chúng tôi đã khuyến nghị Chính phủ Đức đưa ra các hướng dẫn về việc làm như thế nào để các nhà máy công nghiệp không làm ảnh hưởng tới mặt nước ngầm. Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần có những hướng dẫn cụ thể như vậy, ví dụ như việc hướng dẫn để hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, để đất đai không bị ô nhiễm hoặc phải kiểm soát việc nhập khẩu các loại hóa chất độc hại cũng như sử dụng các hóa chất này cho đất đai.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Lương (Thực hiện)

Đọc thêm