Khi gặp trường hợp đuối nước cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt người bị nạn lên. Người cứu tiến lại nạn nhân từ phía lưng, ôm lấy lưng nạn nhân hoặc nắm tóc kéo lên. Việc này nhằm tránh tình trạng nạn nhân nếu còn tỉnh sẽ hoảng loạn ôm ghì lấy người cứu dẫn đến hậu quả cả hai cùng bị chết đuối.
Đặt người bị nạn nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí và nhanh chóng tiến hành khai thông đường thở, thổi ngạt cho nạn nhân. Dùng tay đẩy nghiêng đầu nạn nhân sang một bên, ngón tay trỏ còn lại luồn vào miệng nạn nhân móc hết dị vật và cho nước trong miệng nạn nhân chảy ra ngoài. Sau đó nhanh chóng cho nạn nhân ngửa thẳng trở lại, người cứu một tay đặt lên trán nạn nhân đẩy ra phía sau, một tay kéo cằm lên sao cho nạn nhân ưỡn cổ tối đa (khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ thì chỉ nâng hàm dưới lên, tránh di chuyển nhiều).
Nếu phát hiện ra nạn nhân đã ngừng thở (lồng ngực không di động), đầu tiên cần nhanh chóng thổi ngạt cho nạn nhân. Người cứu ngửa mặt hít một hơi dài, áp miệng vào miệng nạn nhân thổi trong vòng 2 giây, 2 lần liên tiếp.
Chú ý, trong khi thổi ngạt phải bịt 2 mũi nạn nhân lại. Nếu sau khi thổi ngạt, người bị nạn vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim của nạn nhân đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay.
Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi hoặc người lớn). Lưu ý, vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển người bị nạn tới cơ sở y tế, cho đến khi người bị nạn tự thở lại được, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
Trường hợp người bị nạn còn tự thở được (lồng ngực còn di động), hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, nghĩa là cho nằm nghiêng một bên để nếu người đó có nôn ói thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào phổi gây viêm phổi.