Xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ: Luật chưa đủ sức răn đe

(PLO) - Việt Nam hiện đã có nhiều chính sách bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng các chính sách này dường như vẫn chưa đủ và chưa mạnh.

Vi phạm vẫn tràn lan

Phát biểu tại hội thảo về bảo hộ SHTT trong thời đại số diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho rằng, khoa học, công nghệ và tài sản trí tuệ đang góp phần đưa đến những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh đang diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử. Những lợi ích thu được từ việc chuyển đổi mô hình này là rất lớn, có sức hấp dẫn với các nhà sản xuất, kinh doanh nên ngày càng thu hút nhiều chủ thể tham gia.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của thương mại điện tử, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy những thách thức lớn, trong đó có vấn đề bảo hộ, thực thi quyền SHTT. Theo ông Tùng, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN và các bộ, ngành khác đã nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền SHTT và phòng chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số tại Việt Nam nhưng hoạt động này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. 

Nêu cụ thể về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Hương - Trưởng Văn phòng Luật sư A Hòa – cho biết, tỉ lệ vi phạm quyền SHTT về phần mềm của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã giảm xuống đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ vi phạm phần mềm tại Việt Nam từ 96% của năm 2009 đã giảm xuống còn 78% vào năm 2015, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách quốc gia vi phạm bản quyền phần mềm nhiều nhất. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện cũng đã giúp các chủ SHTT bảo vệ được mình. Mặc dù vậy nhưng bà Hương cho rằng con số 78% vẫn cho thấy vấn nạn vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn nan giải. 

Theo ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), việc bảo vệ quyền SHTT sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ cao và những công việc thu nhập cao cho lao động có trình độ. Ông Sitkoff cho rằng, nếu không được bảo hộ ý tưởng, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích từ những phát minh của họ và ít tập trung hơn vào việc nghiên cứu, phát triển. Tương tự, việc các nghệ sĩ không được đền đáp xứng đáng cho sáng tạo của họ cũng sẽ khiến sức sống của nền văn hóa bị ảnh hưởng. Ông Sitkoff cũng cảnh báo việc ăn cắp, sao chép ý tưởng, nhãn hiệu, bí quyết, công thức sản phẩm hay làm giả địa chỉ website sẽ khiến nhiều người sợ làm kinh doanh tại Việt Nam. 

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Thừa nhận việc bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam đến nay vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN nhận định, bản thân các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền SHTT của họ trong môi trường thương mại điện tử. Việc xác định tổ chức, cá nhân vi phạm trong môi trường số để xử lý cũng là một vấn đề không đơn giản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và đại diện sở hữu công nghiệp và cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý. Đặc biệt, bà Quỳnh nhấn mạnh đến vai trò của tòa án trong bảo vệ quyền SHTT. Theo đó, bà cho rằng tòa án ở Việt Nam chưa có những người chuyên trách về lĩnh vực SHTT. Rất ít kiểm sát viên hay chánh án có chuyên môn sâu về SHTT, do đó, trong suốt thời gian qua, số vụ vi phạm về SHTT được đưa ra xử lý tại tòa hầu như không đáng kể.

Trên thực tế, các vi phạm về quyền SHTT tại Việt Nam đến nay chủ yếu chỉ bị xử lý hành chính. Theo Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2012-2015, có 98,37% các xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam do các cơ quan hành chính xử lý. Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử chủ yếu do Thanh tra Bộ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương)… xử lý. 

Nói về việc xử lý vi phạm này, bà Phan Cẩm Tú – Hiệp hội Điện ảnh Mỹ - cho biết, Hiệp hội đã phát hiện các trang web phim lậu và đã báo với các cơ quan quản lý ở Việt Nam. Một số vụ việc đã được đưa ra xử lý bằng phương pháp hành chính nhưng mức phạt khá thấp, cao nhất mới chỉ là 60 triệu, quá thấp so với lợi nhuận các website vi phạm bản quyền của Hiệp hội thu được. Theo bà Tú, mức phạt rất thấp nên tính răn đe cũng thấp. Muốn xử lý hành chính phải biết rõ tên, tuổi, địa chỉ của người vi phạm trong khi việc việc tìm được họ không hề đơn giản nên Hiệp hội đã không thể mang nhiều vụ việc vi phạm ra tòa vì không biết đối tượng vi phạm là ai. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ gần đây cũng đã mang một số vụ việc ra đề nghị xử lý hình sự nhưng việc xử lý này cũng còn khó khăn.

Chung nhận định, bà Hương chỉ ra rằng, trước năm 2018, hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm chỉ có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc dân sự. Mức phạt cao nhất theo quy định lên đến 500 triệu đồng nhưng các cơ quan thực thi chưa áp dụng với mức đó, mới chỉ khoảng 50 triệu, là mức rất thấp, không đủ sức răn đe. Còn ông Trần Mạnh Hùng - Luật sư Baker McKenzie Việt Nam – chia sẻ thêm rằng đa số vụ việc mà công ty nhận tư vấn về bảo hộ quyền SHTT đều đã được xử lý qua biện pháp thương lượng. Việc xử lý như vậy đạt kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn. Trong khi đó, nếu đưa ra tòa để xử lý, thời gian thường bị kéo dài, gây thiệt hại cho khách hàng.

Trong bối cảnh như vậy, các ý kiến đều cho rằng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo hộ quyền SHTT. Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, hành lang pháp lý là yếu tố quan trọng hàng đầu, do đó Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có công cụ pháp lý đủ sức răn đe và không tạo sơ hở cho các tổ chức lách luật. Năng lực của cơ quan thực thi quyền SHTT cũng cần được nâng cao. Về phía chủ SHTT, theo bà Quỳnh, các doanh nghiệp và chủ thể quyền SHTT cần phải tự bảo vệ mình bởi tài sản trí tuệ là tài sản của chính doanh nghiệp… Một số ý kiến khác đề xuất nghiên cứu các giải pháp để ngăn chặn các kênh thanh toán như qua ngân hàng, thẻ điện thoại để ngăn chặn những vi phạm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Tăng cường hơn nữa giải pháp đối thoại

“Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì điều hết sức quan trọng là thực thi quyền SHTT. Do đó, thời gian qua, để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt việc này, Bộ KH&CN đã tăng cường công tác phổ biến hướng dẫn về pháp luật và tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có sự tranh chấp về quyền SHTT, giúp việc bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp và cá nhân được thực hiện một cách tốt đẹp. Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa các giải pháp đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, các chủ thể có tranh chấp về quyền SHTT tại Việt Nam”.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam: Cơ chế thực thi cần được cải thiện

“Việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp. Những lo ngại cơ bản là việc thực thi không đồng đều, những khoản phạt hành chính không đủ mạnh để đảm bảo vai trò một biện pháp ngăn chặn thực sự. Bên cạnh đó cũng có sự thiếu tương xứng trong khả năng, năng lực của thanh tra viên và các quan chức địa phương. Do đó, cơ chế thực thi quyền SHTT của Chính phủ cần được cải tiến theo hướng trừng phạt đủ mạnh để có thể xóa bỏ, trừng phạt và ngăn chặn vi phạm một cách hiệu quả. Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực của những người làm trong lĩnh vực SHTT, giải quyết sự thiếu tương xứng trong khả năng, năng lực của thanh tra viên và các quan chức địa phương... để họ biết họ đang làm gì và cần truy tố các vụ việc vi phạm như thế nào”.

Bà Kelly Anderson – Quản lý cấp cao, sở hữu trí tuệ quốc tế, Phòng Thương mại Mỹ tại Mỹ: Việt Nam có nhiều không gian cải thiện

“Kết quả xuất bản lần thứ 6 chỉ số bảo vệ SHTT quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy Việt Nam đã có một số tiến triển trên thang đánh giá nhưng vẫn có nhiều điểm cần phải cải thiện như vẫn tồn tại khoảng trống trong bảo vệ khoa học, tỉ lệ vi phạm bản quyền trực tuyến cao… Mặc dù vậy nhưng Việt Nam còn nhiều không gian có thể cải thiện thông qua các biện pháp tăng cường các tiêu chuẩn hình sự về sản phẩm quyền SHTT, xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT, thúc đẩy thương mại hóa về SHTT và thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về SHTT…”.

Đọc thêm