Điều này xuất phát từ dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, còn nhiều khó khăn; nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng tại nhiều nước, đối tác lớn..., cùng những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Để vượt qua khó khăn, phải nhắc đến tệ trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Do vậy, tại Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
|
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đầu tháng 4/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 50/NQ-CP, tinh thần chung được nói đến trong “6 chữ vàng”, hiệu quả, kịp thời, thực chất. Để làm được điều này, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian không cần thiết; bãi bỏ theo thẩm quyền các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trái quy định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Diễn biến của thị trường cho thấy, đang còn một số vướng mắc, DN và người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là lúc cần phân tích cho rõ nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, chứ không chỉ đơn thuần thống kê số liệu, để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm, cấp dưới đùn đẩy lên cấp trên… là điều mới đây được Thường vụ Quốc hội hết sức quan tâm. Khó khăn lớn nhất là tâm lý của thị trường, niềm tin của xã hội và tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của một số cán bộ thực thi các cấp. Phải vượt qua, không còn cách nào khác.