Xử phạt hành chính liên quan đến dịch Covid-19

(PLVN) - Pháp luật hiện hành quy định thế nào về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến dịch bệnh Covid - 19? Thông tin từ bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp).

Pháp luật hiện hành về xử phạt VPHC đối với các hành vi VPPL liên quan đến dịch bệnh Covid-19 chủ yếu được quy định trong hai văn bản chính là Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) 2012, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với tính chất là quy phạm chế tài bên cạnh các quy phạm quản lý trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, NĐ số 89/2018/NĐ-CP về kiểm dịch y tế biên giới và Nghị định số 101/2010/NĐ-CP về cách ly, cưỡng chế cách ly  y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

Đối với các hành vi VPHC liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch bệnh covid19 nói riêng, Nghị định số 176/NĐ-CP quy định tương đối đầy đủ, cụ thể trên cơ sở các quy phạm nghiêm cấm hoặc nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện và hình thức xử phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm. 

Một số ví dụ, cụ thể như: 

- Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi: “Cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố” với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn liên tục trong 03 ngày.

Lưu ý là Điều 8 Nghị định số 65/2015/NĐ-CP ngày 07/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Theo đó, không áp dụng quy định này để xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí. 

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí được thực hiện theo Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính  trong hoạt động báo chí, xuất bản.

- Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

- Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ;

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh;

b) Không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm đang được khám, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của mình cho cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn;

- Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều này”.

- Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch tại các khoản 2, 4, 5 và 6 như sau:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

- Điều 12 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới, cụ thể:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định;

b) Từ chối kiểm tra y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế;

Xin lưu ý là một người vi phạm có thể bị áp dụng nhiều chế tài xử phạt hành chính khác nhau tùy thuộc hành vi vi phạm do họ thực hiện, ví dụ như: Trường hợp Việt kiều Việt nam định cư ở Châu Âu biết mình đã nhiễm Covid-19 nhưng khi nhập cảnh vào Việt Nam lại không khai báo có thể bị xử phạt về hai hành vi:  Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định (Điểm a khoản 1 Điều 12 NĐ 176) ) và Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch (Điểm a khoản 2 Điều 11 NĐ 176)…

Đọc thêm