Xu thế không thể khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuần qua, lãnh đạo Chính phủ và cơ quan chức năng đã có một loạt động thái đáng chú ý liên quan phương thức vận hành của giao dịch trong hệ thống ngân hàng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 21/12, Thủ tướng Chính phủ khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá hai năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã yêu cầu thí điểm chấm điểm khả tín khi người dân vay vốn, trước tiên tại Ngân hàng Vietcombank vào đầu năm 2024.

Điểm khả tín của người dân khi vay vốn ngân hàng là sự tín nhiệm của khách hàng với ngân hàng, thông qua các chỉ số. Đây là cơ sở để ngân hàng đưa ra quyết định cho vay vốn hay không. Mức độ khả tín của khách hàng được đánh giá dựa trên nhóm tiêu chí năng lực pháp lý, sử dụng vốn, tài chính, thực hiện bảo đảm tiền vay.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp Bộ Công an ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư để đánh giá điểm khả tín của khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân. Việc này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho vay vốn, giảm rủi ro cho ngân hàng.

Trước đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, từ 1/7/2024, chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt, vân tay.

Cụ thể, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu; phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Công nghệ sinh trắc học cách thức nhận diện và xác minh cá nhân thông qua các đặc điểm sinh học như hình ảnh khuôn mặt, dấu vân tay, mẫu mống mắt, giọng nói... Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất.

Một động thái đáng chú ý khác, tại TP HCM, ngày 21/12, hệ thống xác thực CCCD, sinh trắc khuôn mặt tại cửa ngân hàng để nhận diện nghi can phạm tội cũng được Công an TP HCM phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai thí điểm tại cửa ra vào chi nhánh một ngân hàng tại quận Tân Bình. Các thiết bị sẽ giúp xác thực thông tin của khách khi vào ngân hàng, từ đó nhận diện kịp thời những người nghi vấn, trốn truy nã, dùng giấy tờ giả hoặc của người khác để tạo tài khoản thực hiện hành vi phạm tội.

Khách đến giao dịch sẽ được nhân viên giám sát an ninh hướng dẫn đặt thẻ CCCD gắn chíp vào hộp đọc thẻ, tháo khẩu trang để hệ thống bắt đầu quá trình nhận diện khuôn mặt. Toàn bộ dữ liệu cần thiết sẽ được đối chiếu với kho dữ liệu của Bộ Công an.

Những phương thức chấm điểm khả tín của người dân, nhận diện cá nhân bằng sinh trắc học… đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và khẳng định hiệu quả trong thực tế. Trong thời đại công nghệ số, đó là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu và chúng ta cũng không thể đứng ngoài cuộc; để đơn giản hóa tối đa các thủ tục, quản lý vận hành các mối quan hệ tín dụng một cách đơn giản, minh bạch, hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật.

Đọc thêm