Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói: “Từ tâm trạng của cử tri phản ánh, từ hiện tượng xã hội đang diễn ra trong thực tiễn rất mong Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị lưu ý thêm 4 vấn đề mang tính chất xu thế của xã hội như sau:
Thứ nhất, chống tham nhũng, chống lãng phí, triệt tiêu lợi ích nhóm là một xu thế mà Tổng Bí thư đã khẳng định, toàn dân đang hưởng ứng và mong đợi.
Thứ hai, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là xu thế mang tính chất truyền thống. Bất kể hành vi nào xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc đều kích ứng lòng dân, khơi dậy lòng yêu nước và nhân dân sẵn sàng xả thân đấu tranh đến cùng vì mục tiêu lý tưởng đó. Hiện tượng người dân không tin hàng hóa Trung Quốc, công trình Trung Quốc làm, không tin khi làm ăn hợp tác với Trung Quốc và hiện nay có tư tưởng bài xích doanh nghiệp FDI.
Thứ ba, xu thế phản ứng chính sách. Dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng nhưng khi thực hiện những chủ trương, đường lối này thông qua các chính sách, nếu thiếu minh bạch, có vấn đề sẽ gặp ngay phản ứng gay gắt của nhân dân. Minh chứng cho vấn đề này là những phản ứng trong việc quản lý đất quốc phòng ở Đồng Tâm, sân bay Tân Sơn Nhất, các dự án BOT, 12 đại dự án của Bộ Công thương, các khiếu nại đông người, vấn đề ô nhiễm môi trường do FORMOSA gây ra và nhiều vấn đề khác nữa trong xã hội mà chúng ta đã nhận thấy."
Đặc biệt, xu thế thứ 4 mà ĐB nhắc đến là xu thế thờ ơ chính trị trong lớp trẻ.
Theo ông, đây là xu thế rất đáng báo động. "Lớp trẻ không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ xã hội, bạo hành học đường, sa vào tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức v.v... đang gặm nhấm và tha hóa nhân cách của lớp trẻ. Đây là vấn đề rất đáng báo động. Nếu chúng ta phát huy những mặt tích cực triệt tiêu các mặt tiêu cực, các xu thế sẽ là những dòng thác không gì ngăn cản nổi." - ông nói.
Từ những cảnh báo của mình, thay mặt cử tri, ĐB Đặng Thuần Phong bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm thêm trong chỉ đạo, điều hành để mang lại hiệu quả cao nhất.
Trước đó, trong phần phát biểu của mình, ĐB Đặng Thuần Phong cũng nhân định: Năm 2017 chính phủ đã nỗ lực quyết tâm, chủ động, nhanh nhạy, sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành, mang lại hiệu quả cao. Những rào cản trong đầu tư, sản xuất kinh doanh được tháo gỡ, trách nhiệm cao trong đồng hành với doanh nghiệp, nhận diện phát triển kinh tế ngành, vùng, xúc tiến thương mại, tạo phong trào sáng tạo, khởi nghiệp, cắt giảm chi phí, thủ tục, thời gian nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Kỷ luật, kỷ cương hành chính đã được xác lập, vai trò kiến tạo hành động liêm chính đáng ghi nhận. Tham nhũng, lợi ích nhóm từng bước được chặn đứng, nhận diện và xử lý một cách nghiêm túc.
Chính phủ đã kiên trì bám sát các mục tiêu và chủ động sáng tạo trong vận dụng các giải pháp, điều hành chính sách linh hoạt, phát triển đồng bộ thị trường, kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối, thu hút nhiều nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời và phát triển…
Văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ gìn an ninh, quốc phòng, mở rộng đối ngoại cũng có nhiều tiến bộ, chuyển biến rất tích cực, biết bao công sức, mồ hôi, trí tuệ và bản lĩnh vượt khó để được kết quả trên. Song các hạn chế yếu kém vẫn hiện hữu và nhiều thách thức mà Chính phủ khái quát trong báo cáo còn rất lớn, phải hết sức kiên trì, bản lĩnh và quyết tâm chính trị cao mới có thể khắc phục.
“Chúng tôi chia sẻ với Chính phủ, đồng tình 7 nhóm giải pháp sắp tới, song cũng mong Chính phủ chọn hướng ưu tiên, chuyển hướng đầu tư để hiệu quả cao hơn, đảm bảo sinh lợi, tăng năng xuất chuyển hóa và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nhìn dòng tiền, nhìn hiệu quả đầu tư và kết quả cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều điều đáng lo, mong Chính phủ quan tâm và tính toán giải pháp xử lý. “ – ĐB nói.
ĐB cũng đề nghị cần cân nhắc về nguồn thu năm 2018 cho hợp lý, nếu dự kiến tăng thuế giá trị gia tăng và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa thuyết phục, dễ bị xã hội phản ứng. Lãi suất ngân hàng cũng không nên tăng để duy trì ổn định và đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế.
ĐB phân tích: "Bội chi 3,7% GDP cũng cần phải giải trình rõ các căn cứ. Tăng lương 7% phải thực hiện không nên để kéo dài vì hệ lụy xã hội rất lớn. Tiết kiệm giảm chi thường xuyên, không ban hành chính sách mới và mở rộng chính sách cũ. Lập pháp và điều hành phải kiên quyết không để tăng biên chế, tăng nguồn lực là nguyên tắc phải thực hiện nghiêm. Các yếu tố tăng trưởng chính của nước ta vẫn là đầu tư kết cấu hạ tầng năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, phải phát triển đồng bộ cả 3 yếu tố mới đảm bảo thành công thực sự."