Năm 2010, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, đạt kim ngạch gần 3,4 tỉ đô la Mỹ, tương đương 131% so với năm trước đó. Năm nay, xuất khẩu gỗ dự kiến sẽ đạt mức 4 tỉ đô la Mỹ.
Đơn hàng đã nằm trên bàn nhiều DN, có những đơn hàng đến tận quý 3 năm sau. Có việc làm, có doanh thu là vui chứ, nhưng tại sao nhiều DN gỗ vẫn không giấu được lo lắng khi nghĩ về thực tế sản xuất kinh doanh năm tới.
DN gỗ bày tỏ, đơn hàng nhiều, đầu ra không thiếu, nhưng chi phí đầu vào đang tăng vù vù, chẳng biết nhận đơn hàng có thể có lãi được hay không. Bởi, trong khi giá hợp đồng "chốt" từ trước khi giao hàng vài tháng, có khi cả năm, thì giá nguyên liệu gỗ cho đến các loại vật tư, bao bì biến động theo tuần, theo tháng. Có những loại, sau 1 quý đã tăng 25 – 30%.
|
Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã nhận được lượng đơn hàng chiếm đến 70% sản lượng dự tính trong năm 2011, nhưng cũng đang đau đầu với bài toán giá đầu vào – đầu ra. “Biết là giá cả biến động, nhưng chỉ cần DN tự tính các khoản dự tính sẽ tăng vào giá, báo cho khách hàng thì lập tức sẽ mất thế cạnh tranh do giá cao hơn doanh nghiệp khác” – đại diện DN này than thở.
DN không dám vi phạm hợp đồng với khách hàng, nhưng nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước lại có thể hủy hợp đồng với DN khi giá vật tư tăng cao, mà đơn hàng càng ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao với nhiều loại vật tư khác nhau. Một ví dụ nữa, các DN sản xuất mặt hàng gỗ có nguyên liệu là gỗ cao su lại đang nín thở theo dõi giá cao su thế giới, vì nếu giá mủ cao su tăng, thì nhà cung cấp có thể “nhịn” chặt rừng già để khai thác thêm ít mủ…
Bài toán đầu vào không phải là bài toán mới, bởi trước đây, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã từng cảnh báo về việc DN chế biến gỗ có thể phải đối mặt với lợi nhuận sụt giảm nếu không có những giải pháp cải tiến về công nghệ, nâng cao hiệu suất. Ông Thắng cho rằng, một khi ngành này chưa chủ động được công nghiệp phụ trợ và nguyên liệu, thì rủi ro có thể đến bất kỳ khi nào một khi chi phí đầu vào tăng.
Tuấn An