Xúc động những trang báo viết về ngày Bác đi xa

(PLVN) - 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Bác Hồ kính yêu đã rời xa chúng ta, đi vào cõi của Các Mác, Lênin và các vị cách mạng tiền bối. Đến nay vừa tròn 55 năm, trái tim lớn ấy đã ngừng đập nhưng hình ảnh, tư tưởng của Người vẫn còn mãi trong lòng Nhân dân ta và bạn bè quốc tế.
Ngày 9/9/1969, Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. (Nguồn: Tư liệu).

Triệu đồng bào tưởng niệm Người

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định cả nước để tang Người trong 7 ngày (từ ngày 4 đến ngày 10/9/1969) và tổ chức lễ tang theo nghi thức cao nhất của Nhà nước. Đúng 6 giờ sáng ngày 6/9/1969, lễ viếng chính thức được bắt đầu và kéo dài đến hết ngày 8/9/1969.

Báo Nhân Dân số đặc biệt, ra chiều 4/9/1969, thông báo “Quy định về nghi thức cả nước để tang Hồ Chủ tịch” của Ủy ban lễ tang Nhà nước. Theo đó: “Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học, bệnh viện, cửa hàng, đơn vị quân đội, công an nhân dân vũ trang, trụ sở của Ủy ban hành chính các cấp, hợp tác xã… treo quốc kỳ có dải băng đen. Tất cả các công dân mang băng tang hai màu đỏ và đen hoặc một màu đen ở ngực bên trái. Các cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, cửa hàng, doanh trại quân đội, công an nhân dân vũ trang, các khu tập thể và nhà nhân dân ở Hà Nội treo ảnh Hồ Chủ tịch có viền đen trong những ngày lễ tang.

Đại biểu, Nhân dân đến viếng Hồ Chủ tịch và dự lễ truy điệu trọng thể sẽ theo kế hoạch và trật tự do Ủy ban lễ tang hướng dẫn. Trong 7 ngày quốc tang từ 4/9 đến 10/9/1969, đình chỉ mọi cuộc liên hoan, tổ chức vui chơi, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, thể thao. Các đài phát thanh không phát các bài hát hoặc bài nhạc vui. Các báo đăng ảnh Hồ Chủ tịch trong khung đen và tiểu sử Hồ Chủ tịch có viền đen ở trang nhất”.

Báo Nhân Dân số đặc biệt, ra chiều ngày 4/9/1969.

Sáng 9/9/1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Báo Quân đội nhân dân ra ngày 10/9/1969 chạy dòng tít phụ: “Một triệu đồng bào Nhân dân Thủ đô cùng với đại biểu các địa phương cả nước và anh em bầu bạn quốc tế đã tưởng niệm Người”. Dưới măng sét là bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía bên phải măng sét đầu trang là Di chúc của Người.

Trong không khí đau thương và xúc động, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ca ngợi công lao vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc ta và dân tộc ta: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào Cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta. Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

8h05 phút, quân nhạc cử bài Quốc tế ca và bài nhạc Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Tiếng nhạc mặc niệm vang lên trang nghiêm. 21 loạt pháo lớn gầm lên như xé tim gan chào vĩnh biệt vị lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân ta. Đoàn máy bay phản lực từng tốp bốn chiếc bay qua quảng trường, nghiêng cánh vĩnh biệt Hồ Chủ tịch, các cháu thiếu nhi ôm lấy các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nức nở hồi lâu: “Trước linh cữu Bác, các em nước mắt ròng ròng, bàn tay phải khép kín đặt chếch trên mái tóc xanh chào Bác theo nghi thức Đội. Và sau các em là đoàn đại biểu các lực lượng vũ trang, đoàn đại biểu công nhân, nông dân… mắt đăm đăm, lòng nén lại, từ từ diễu qua linh cữu Bác như thấy trách nhiệm nặng nề của mình thực hiện mong muốn cuối cùng của Bác là: …“Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. (Báo Quân đội nhân dân, ngày 10/9/1969).

Tham gia Đoàn Chủ tịch buổi lễ truy điệu còn có hơn 40 đoàn đại biểu quốc tế từ khắp năm châu. Ngay sau khi nhận được tin buồn, các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước khác đã gửi những lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tới viếng tại các Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Trong những ngày qua, anh em bầu bạn khắp năm châu với những tình cảm xúc động chân thành đã bày tỏ lòng mến yêu, khâm phục Hồ Chủ tịch, ca ngợi Người là “nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

Báo Quân đội nhân dân, ra ngày 10/9/1969.

Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do đồng chí A.N Cô-xư-ghin, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô dẫn đầu đã sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 9 để dự lễ tang đồng chí Hồ Chí Minh… Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô đã đặt vòng hoa trước linh cữu đồng chí Hồ Chí Minh, tham gia lễ tang, đi thăm và chia buồn với Nhân dân lao động thành phố Hải Phòng anh hùng,…”, (Báo Quân đội nhân dân, ngày 11/9/1969).

Sau khi được tin Hồ Chủ tịch từ trần, ngày 4/9/1969, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã cử Đoàn đại biểu do đồng chí Chu Ân Lai, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, làm Trưởng đoàn sang nước ta để viếng Hồ Chủ tịch. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ trong điện chia buồn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đi, nhưng phẩm chất cách mạng cao cả và tinh thần chiến đấu không sợ cường bạo của đồng chí vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân cách mạng các nước trên thế giới” (Báo Quân đội nhân dân, ngày 13/9/1969).

Biến đau thương thành hành động

Đồng chí Lê Duẩn đọc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại miền Nam, ngay trong cuộc chiến đấu vẫn vô cùng ác liệt, sáng ngày 8/9 tại một địa điểm trong vùng giải phóng, “với lòng thương tiếc vô hạn, cùng với cả nước để tang Hồ Chủ tịch, vị cha già dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ tổ chức trọng thể lễ viếng và lễ truy điệu Hồ Chủ tịch”. (Báo Quân đội nhân dân, ngày 11/9/1969).

Biến đau thương thành hành động, quân và dân cả nước liên tiếp lập được nhiều chiến công. Ngay sau khi Bác mất, Báo Quân đội nhân dân còn mở một chuyên mục mang tên “Biến đau thương thành hành động cách mạng”. Ý nghĩa của chuyên mục này cũng giống như tên gọi, nhằm cổ vũ, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và quần chúng Nhân dân nén đau thương, mà quyết tâm chiến đấu. Thông qua báo chí, những chiến công của quân và dân ta được truyền đi khắp nơi, trở thành động lực góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất nước nhà, hoàn thành ước muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tưởng nhớ 55 ngày mất của Người, chúng ta càng phải “quyết tâm đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong muốn cuối cùng Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân.

Trong bài Xã luận “Vô cùng thương tiếc và biết ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, đẩy mạnh công tác tư tưởng phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Tạp chí Tuyên huấn, số đặc biệt tháng 9/1969, có viết: “Chúng ta nguyện suốt đời học tập tư tưởng cách mạng, đường lối cách mạng, đạo đức và tác phong cách mạng của Người. Chúng ta nguyện sẽ nghiêm chỉnh nghiên cứu, học tập những tác phẩm vô giá mà Người để lại nhằm thiết thực nâng cao trình độ lý luận và chính trị, nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực công tác để đủ sức làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng…”.

Đọc thêm