Xung quanh chiếc “giường bệnh giá trên trời”?

(PLVN) - Thông tin Bộ Y tế cho triển khai giường bệnh giá 4 triệu/ngày đang được dư luận quan tâm. Còn theo thông tin từ Bộ Y tế, mức giá tối đa 4 triệu đồng chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện đáp ứng nhu cầu người bệnh. Không phải giường bệnh điều trị ở bệnh viện  nào cũng được thu giá trên.
Ảnh minh họa

Trước đó, Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ này đang rà soát lại các nội dung liên quan đến thông tư trên. Giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa tại bệnh viện công lập có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng).

Tuy là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu  thế nhưng con số 4 triệu/ giường/ ngày đã khiến không ít người bị sốc vì giá cả quá cao. Thậm chí nhiều người còn so sánh giường bệnh này với giá của khách sạn 5 sao.

Để tìm hiểu về phản ứng của người dân về giá cả loại giường bệnh này chúng tôi đã làm cuộc khảo sát nhỏ với khoảng 150 người tham gia. Có đến hơn 69 % người được hỏi cho biết sẽ không sử dụng dịch vụ giường bệnh này. Với lý do chính hiện tại mức thu nhập của người dân còn nhiều hạn chế. Nằm giường bệnh kiểu này có thể xem như mất nửa tháng lương. Có ý kiến cho rằng nằm 1 tháng mất cả hơn trăm triệu tiền giường bệnh, quá cao và không thực tế so với đại bộ phận người dân Việt Nam.

Thế nhưng phần còn lại, giải thích cho lý do sẵn sàng chi trả, sử dụng giường bệnh giá cao cũng rất hợp lý: Họ cho rằng đây là loại giường bệnh theo nhu cầu, Bộ Y tế hướng tới việc phục vụ cho giới có tiền, dư giả tài chính muốn được sử dụng loại hình dịch vụ y tế chất lượng. Điều này được cho là đúng đắn phù hợp. Nếu như đồng tiền đi liền chất lượng thì cũng không gì là quá bất ngờ.

Ông Nguyễn Đình Báo (50 tuổi) bệnh nhân từ Thanh Hóa chia sẻ. “Những năm gần đây cá nhân tôi thấy chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ta đã được nâng cao. Còn nhớ những năm trước đây khi ốm đau vào viện rất khó chịu, nóng nực, giường bệnh thì bị nhồi nhét nằm ghép… nhưng tầm vài năm trở lại đây, đi viện tôi thấy chất lượng khám chữa bệnh dịch vụ đã được cải thiện”.

 “Cách đây hơn tháng, tôi có nằm viện mấy hôm. Mới đầu không biết nằm phòng thường không điều hòa. Nóng nực không ngủ được, thấy phòng khác có điều hòa tôi hỏi mới biết là phòng dịch vụ. Sau đó tôi cũng chuyển sang sử dụng phòng dịch vụ. Thêm chút tiền nhưng thoải mái hơn và ít nhất cũng không bị mất ngủ vì nắng nóng. Nếu như người ta thu 4 triệu mà chất lượng cao theo tôi nghĩ người có tiền người ta cũng sẽ sử dụng thôi”, ông Báo cho biết thêm.

Cùng ý kiến với ông Báo, chị Nguyễn Thị Vân tại Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Tôi cũng ít khi ốm đau, mỗi khi ốm thường sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Tuy rằng đắt hơn so với bình thường nhưng đỡ mất thời gian phải xếp hàng dài để đợi khám. Ông cha có câu “tiền nào của nấy”, mình bỏ đồng tiền ra sử dụng dịch vụ đắt chút nhưng chất lượng cao, thoải mái hơn cũng tốt”.

Không phải giường bệnh điều trị ở bệnh viện nào cũng được thu 4 triệu/giường/phòng/ngày

Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin Y tế (chiều 12/8), Bộ Y tế đã thông tin về việc ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Bộ này khẳng định Không triển khai tràn lan giường điều trị theo yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), đánh giá, thực tế nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh  có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Bệnh viện công phải cung cấp dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên thời gian vừa qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở Việt Nam  cũng ra nước ngoài khám chữa bệnh. 

Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 50.000 - 100.000 người ra nước ngoài khám chữa bệnh; hàng trăm ngàn người nước ngoài cũng đang làm việc tại Việt Nam. Chất lượng phục vụ trong bệnh viện công tăng lên sẽ thu hút các bệnh nhân có khả năng chi trả để bệnh viện thêm nguồn thu, phát triển y tế trong nước.

Vị Vụ trưởng này cho biết, việc  tạo cơ chế, có quy định để bệnh viện phát triển nhưng không chấp nhận triển khai dịch vụ theo yêu cầu tràn lan. Dịch vụ theo yêu cầu phải thực hiện theo đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, trong thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập sắp được ban hành, thông tư là cơ sở hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám bệnh chữa bệnh theo nhu cầu của cơ sở y tế công lập chứ không phải áp mức giá cụ thể để thực hiện. Vì thế Bộ Y tế sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. 

Tại cơ sở y tế công lập, có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối với loại 1 giường/1 phòng/ngày. Tuy nhiên, không phải giường bệnh điều trị ở bệnh viện  nào cũng được thu với giá kịch trần như quy định.

Mức giá tối đa 4 triệu đồng/giường/ngày bệnh chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện đáp ứng nhu cầu người bệnh. Giá giường bệnh quy định tối đa như trên là đã tính đầy đủ 7 yếu tố cấu phần giá dịch vụ y tế, có cả yếu tố tích luỹ. “Đây là giường bệnh cho bệnh nhân đặc biệt và được phục vụ một cách toàn diện nhất. Phòng này phải có điều dưỡng phục vụ, chăm sóc 24/24 giờ, có khu vực ăn riêng, khu tiếp khách riêng, có đầy đủ trang thiết bị y tế, có giường phụ cho người nhà... Nhiều ý kiến so sánh giá 4 triệu đồng/giường điều trị dịch vụ/ngày là quá cao và ngang ngửa với khách sạn 5 sao, nhưng đây là cách so sánh khập khiễng”.

Đọc thêm