Y, bác sĩ TP HCM luân phiên về trạm y tế phường

(PLVN) - Nhân viên y tế phải luân phiên về trạm y tế xã phường làm việc 2-12 tháng, trong bối cảnh TP HCM thiếu nguồn nhân lực tại tuyến cơ sở.
Tiêm phòng dịch tại Trạm Y tế phường ở quận 4 (TP HCM). (Ảnh: HCDC)

Thông tin được Sở Y tế TP HCM nêu trong văn bản hướng dẫn triển khai kế hoạch của UBND TP về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2030.

Động thái diễn ra trong bối cảnh TP HCM thiếu trầm trọng nguồn nhân lực tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt đội ngũ bác sĩ đa khoa. Theo đó, tỷ lệ bác sĩ đa khoa trên 10.000 dân hiện nay tại TP HCM chỉ 0,25, trong khi trung bình thế giới là 3-10. Hiện, TP HCM có hơn 9 triệu dân, như vậy TP có chưa đến 300 bác sĩ đa khoa thăm khám cho người dân toàn khu vực, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Theo Sở Y tế, đối tượng luân phiên gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y (gọi chung là nhân viên y tế) làm việc trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế và UBND quận, huyện, Thủ Đức quản lý.

Việc luân phiên sẽ theo hình thức cử cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn, theo chế độ có thời hạn, tối thiểu 2 tháng, tối đa 12 tháng. Việc này nhằm tăng cường nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo việc KCB cho người dân.

Thu nhập trong thời gian luân phiên của nhân viên y tế sẽ được giữ nguyên. Trường hợp nhân viên y tế đến luân phiên tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú 200.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo. Bên cạnh đó sẽ được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác 3.000.000 đồng/người/tháng. Y, bác sĩ đi luân phiên cũng sẽ được ưu tiên lựa chọn xét cử đi đào tạo, quy hoạch cán bộ.

Trước đó, tại Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, ngày 29/3, Giám đốc Sở Y tế TP HCM đề nghị Bộ Y tế có cơ chế, chính sách bắt buộc bác sĩ phải công tác một thời gian tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là nhóm bác sĩ đa khoa.

Đây là người có kiến thức chung về các chuyên khoa có thể thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân khi gặp bất kỳ triệu chứng nào mà chưa rõ nguyên nhân. Tuyến y tế cơ sở, như trạm y tế, rất cần bác sĩ đa khoa để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, song thực tế số nhóm này về trạm rất ít.

"Số lượng bác sĩ đa khoa quá ít nên một số trạm y tế sử dụng bác sĩ chuyên khoa để thay thế", lãnh đạo Sở Y tế nói. Có bác sĩ là điều tốt, nhưng bác sĩ chuyên khoa không thể làm được nhiều vì chỉ nắm phần chuyên khoa, không có kiến thức y học đầy đủ để chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện cho người dân.

Do đó, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế có cơ chế, chính sách để chuyển đổi tỷ lệ bác sĩ đa khoa đang công tác tại tuyến y tế cơ sở. "Cần có chính sách bắt buộc bác sĩ có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở trong một thời gian, như nghĩa vụ quân sự", đại diện Sở nói và thêm rằng nếu luật hóa nghĩa vụ này, tuyến y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người.

Đại diện Sở Y tế cũng đề nghị Bộ Y tế áp dụng cơ chế bắt buộc các bác sĩ mới tốt nghiệp có thời gian thực hành tại y tế cơ sở như chương trình TP HCM thí điểm. Hiện có 446 bác sĩ thực hành tại y tế cơ sở, được TP hỗ trợ chi phí 60 triệu đồng/18 tháng.

Đọc thêm