Ca khúc “Nơi đảo xa” do nhạc sĩ Thế Song sáng tác, một trong những ca khúc hay nhất về biển đảo. “Nơi đảo xa” phiên bản một được nhạc sĩ Thanh Phương phối theo phong cách acoustic, vốn đã quen thuộc với người nghe bởi sự thư thái, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu lắng.
Với phiên bản này, ca sĩ Tùng Dương thể hiện cùng nhiều chiến sĩ hải quân năm nào. Không gian âm nhạc và giọng hát Tùng Dương như hòa quyện để mang đến cho người nghe cảm nhận về một tình yêu lớn lao, tình yêu Tổ quốc.
Trong khi đó, với phiên bản hai, lần đầu tiên những giai điệu réo rắt, quyến rũ của dòng nhạc Jazz blue được đưa vào một ca khúc nhạc đỏ như “Nơi đảo xa”.
Sự sáng tạo, cá tính và bùng nổ trong giọng hát Tùng Dương như có đất dụng võ. Vì thế, tuy phiên bản còn lạ lẫm nhưng rất đông thành viên Hội đồng bình luận cho rằng anh đã thể hiện một cách quá xuất sắc. Một khám phá đầy tính đương đại của Tùng Dương và nhạc sĩ Thanh Phương khiến người nghe bị cuốn hút, chìm đắm trong giai điệu bài hát này.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, bản một nhắc lại quá khứ vừa lãng mạn và hào hùng còn bản thứ hai lại cất lên tiếng nói của thế giới. Đây thực sự là một món quà đắt giá mà không chỉ riêng Tùng Dương, nhạc sĩ Thanh Phương mà cả chương trình “Giai điệu tự hào” dành tặng những cho khán giả yêu ca khúc “Nơi đảo xa”.
Tùng Dương cho hay, anh không chỉ thấy mình may mắn mà còn hiểu sự kỳ vọng của các bác - những người đi trước đặt lên mình. Anh hiểu trách nhiệm cũng như sứ mệnh của người trẻ thông qua những bài hát bất hủ như thế nào.
“Bài hát “Nơi đảo xa” khi được các cựu chiến sĩ Tàu Không Số hát cùng, Dương thấy lâng lâng và xúc động trước phần hòa giọng của các bác cùng đàn ac-coóc – đê-ông, và thấu hiểu được giá trị của bài hát sống với thời gian”, anh bày tỏ và giải thích thêm, nếu phiên bản đầu tiên muốn đưa tất cả thế hệ - những người từng ở đảo, sống bám đảo, chiến đấu với đảo hát cùng Tùng Dương, thì phiên bản hai mang nơi đảo xa đến với cuộc sống đương đại hơn, với người trẻ. Cả hai phiên bản tĩnh và động với 2 tinh thần khác nhau.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Giáng Son cất lời xin lỗi Tùng Dương khi chị chọn phiên bản một, bởi theo chị: “lời và nhạc cần đi với nhau”, dù trước đó nhà báo Vũ Thanh Hường đã có lời khen ngợi phiên bản 2 với phong cách Jazz blue giống như “sự dữ dằn của những cơn bão biển, của những cuộn sóng trồi lên”.
Ngoài sự độc đáo của hai phiên bản “Nơi đảo xa”, “Giai điệu tự hào tháng 9” còn có nhiều tuyệt khúc: “Hò biển” (sáng tác Nguyễn Cường; Biểu diễn Nhóm VK +), “Bạch Long Vĩ Đảo quê hương” (nhạc sĩ Huy Du, biểu diễn Vũ Thắng Lợi) , “Nha Trang mùa thu lại về” (nhạc sĩ Văn Ký, biểu diễn Ngọc Anh), “Biển sáng” (sáng tác Phạm Trọng Cầu- Trịnh Công Sơn, biểu diễn Phương Anh), “Bám biển quê hương” (sáng tác Phạm Tuyên, biểu diễn Nhóm Belcanto).
Hàng triệu người cùng ôn lại câu chuyện của những ca khúc, thời kỳ hào hùng lịch sử của các lớp cha anh đi trước đã bám biển để sống, bám biển để sinh sôi.