Theo thống kê của ngành Y tế Quảng Ninh, việc ứng dụng sức mạnh của khoa học công nghệ (KHCN) là chìa khoá giúp ngành Y tế của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ chỉ trong một thời gian ngắn. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước đã hoàn thành và về đích với 100% bệnh viện, TTYT trên địa bàn sử dụng bệnh án điện tử - được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và là điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Hiện đã có hơn 1,3 triệu nhân khẩu trên địa bàn tỉnh được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử khám chữa bệnh (KCB) với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” của người dân; 100% dữ liệu KCB tại các đơn vị y tế được liên thông dữ liệu với hồ sơ sức khỏe điện tử.
![]() |
Tiếp cận, triển khai được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó ngay tại địa phương nhằm chăm sóc tốt nhất cho sức khoẻ nhân dân Quảng Ninh cũng như khu vực. |
Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện đang tiếp tục phối hợp với các địa phương giám sát, triển khai thí điểm nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (VTelehealth) của Bộ Y tế; thực hiện kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu KCB với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu KCB và thanh quyết toán BHYT của BHXH Việt Nam; đơn thuốc điện tử quốc gia…
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện khẳng định, với những điều kiện nền tảng vững chắc như hiện tại, ngành Y tế Quảng Ninh xác định tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực y tế, chất lượng khám, điều trị tại tất cả các cơ sở y tế các tuyến; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; trong đó đặc biệt chú trọng phát triển KHCN, đưa Nghị quyết 57 đi vào thực tiễn tới từng đơn vị y tế, từng khoa phòng, từng nhân viên y tế, nhằm tiếp cận, triển khai được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó ngay tại địa phương; chăm sóc tốt nhất cho sức khoẻ nhân dân Quảng Ninh cũng như khu vực.
Theo chia sẻ của bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy: Việc ứng dụng hàng loạt tiện ích KHCN như vậy đã tiết kiệm thời gian cho cả bệnh nhân và cả bác sĩ, giải quyết được vấn đề dồn bệnh nhân vào một vài thời điểm như trước đây. Đây cũng là cơ sở để các bác sĩ có nhiều thời gian cho KCB và tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân hơn…
Bên cạnh đó, ngành Y tế Quảng Ninh luôn khuyến khích các cơ sở y tế, bệnh viện học tập, triển khai những công nghệ, kỹ thuật mới trong khám, điều trị bệnh. Trong đó, năm 2024 đã có gần 600 nhiệm vụ KHCN các cấp của ngành Y tế được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu. Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 116 kỹ thuật y tế chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa; giảm tỷ lệ chuyển tuyến là 3,57%, thấp nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, Quảng Ninh có 3 đơn vị y tế được xếp cấp chuyên sâu là Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy. Đây đều là các đơn vị đã triển khai được hàng loạt kỹ thuật cao, kỹ thuật khó của trung ương ngay tại đơn vị, giúp người dân yên tâm điều trị ngay tại cơ sở, giảm thiểu thời gian và chi phí, tăng tiếp cận y tế dịch vụ cao.
![]() |
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức với gần 200 chuyên gia, y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã thực hiện đồng thời 2 ca ghép thận tại 2 bệnh viện |
Đáng chú ý, trong tối 8/4 vừa qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức với gần 200 chuyên gia, y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã thực hiện đồng thời 2 ca ghép thận tại 2 bệnh viện. Đây là 2 ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện tại cơ sở y tế tuyến tỉnh. Điều này khẳng định quyết tâm cao của ngành Y tế Quảng Ninh trong việc tham gia sâu vào mạng lưới hiến tạng, ghép tạng quốc gia, thực hiện trách nhiệm cao với cộng đồng, đảm bảo triển khai các kỹ thuật cao phục vụ nhân dân ngay tại địa phương.
TS Trần Anh Cường - Giám đốc bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) chia sẻ: ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả và tối ưu, giúp người bệnh suy thận giai đoạn cuối có cơ hội hồi phục sức khỏe, quay trở lại lao động và giảm đáng kể chi phí điều trị. Với mong muốn mang đến cho người bệnh phương pháp điều trị hiện đại đó, chúng tôi đã xây dựng đề án và triển khai đồng bộ, kỹ lưỡng các giải pháp.
![]() |
Sau 2 ngày phẫu thuật ghép thận người bệnh đã tỉnh các chỉ số đánh giá chức năng thận cơ bản ổn định. |
Ngày 8/4 chúng tôi đã triển khai thành công ca phẫu thuật ghép thận đầu tiên này, mở ra hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng và khu vực Đông Bắc nói chung. Sau 2 ngày phẫu thuật người bệnh đã tỉnh các chỉ số đánh giá chức năng thận cơ bản ổn định, TS Trần Anh Cường nói thêm.
Bệnh nhân Nguyễn Tuấn Anh (sn 1984, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đang điều trị tại bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chia sẻ: hiện tôi chạy thận 3 buổi/tuần, chi phí chạy thận của tôi mỗi tháng khoảng 7-8 triệu đồng. Chi phí điều trị tăng cao khi bệnh nhân ở xa cơ sở y tế do chi phí đi lại, ăn ở…Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được thực hiện ghép thận, mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân như tôi. Khi được ghép thận tại bệnh viện ở địa phương giúp giảm chi phí cho người bệnh. Việc điều trị chống đào thải kịp thời hơn khi ở gần cơ sở y tế.