Yên Bái: Gieo mầm văn hóa cho học sinh vùng cao

(PLVN) - Trong chương trình ngoại khóa, những đứa trẻ người Mông ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) được học cách pha trà Shan tuyết. Đây là hành trang văn hóa quan trọng giúp trẻ em vùng cao giữ được bản sắc và vững bước tiến vào tương lai.

Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) sở hữu bản sắc văn hóa của người Mông gắn chặt với cây trà Shan tuyết nổi tiếng. Ảnh: Nguyên Đức

Suối Giàng dịp cuối xuân xanh thắm từ những búp trà Shan tuyết đương thì tươi tắn vươn mình lên bầu trời, dệt cho miền sơn cước vẻ yên bình kỳ diệu. Trong khí trời đậm chất trữ tình, tiếng phát âm chữ cái hòa cùng tiếng cười vui của cô trò Trường Mầm non Suối Giàng tạo nên bầu khí chẳng khác nào thiên đường.

Lớp học khang trang rộn tiếng cười cùng khu vui chơi hấp dẫn đã dần trở thành hình ảnh quen thuộc ở khắp các trường mầm non tỉnh miền núi Yên Bái nhiều năm qua. Trong số những ngôi trường như thế, Trường Mầm non Suối Giàng còn ghi dấu ấn độc đáo khi có thêm phòng trà truyền thống, đây vừa là nơi mời khách thưởng trà, vừa là nơi các cô cho các bé tập làm quen với văn hoá trà.

Trong giờ ngoại khóa, những đứa trẻ người Mông được được các cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn từ hái trà, chế biến trà, đến cách thức pha trà, mời trà và cao hơn là nhiệm vụ giới thiệu trà cho mọi người. Những câu chuyện về trà được lồng ghép trong những tiết học như thế giúp đám trẻ nơi này hấp thụ sứ mệnh gìn giữ và phát huy danh hiệu trà Shan của quê hương.

Bà Lò Ngọc Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng chia sẻ, Suối Giàng được mệnh danh là “thủ phủ trà Shan tuyết” – là nơi sở hữu giống trà quý hiếm và độc đáo nhất của Việt Nam. Ngoài ra, vùng đất này còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá của người Mông bản địa, gắn chặt với những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Những năm gần đây, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc phát triển sản phẩm trà Shan Suối Giàng. Từ đó, trà không chỉ đơn thuần là một thức uống thông thường mà hơn cả đó là nét văn hóa tinh túy không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Vì thế, việc đưa văn hóa trà vào trường học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguồn gốc và giá trị của trà mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cô giáo hướng dẫn học sinh nhận biết, phân loại trà Shan tuyết trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: CTV

“Thông qua các hoạt động ngoại khóa, các cô đã được hướng dẫn và giúp các con thực hành thuần thục cách pha trà, nhận biết từng loại trà. Đưa văn hóa trà vào trường học tại Suối Giàng không chỉ là bước đi quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần tạo ra một môi trường học tập tích cực.

Qua hoạt động này trẻ được giao tiếp, được trải nghiệm và dần hình thành tình yêu với trà Shan với Suối Giàng, đồng thời tạo dựng nền tảng cơ bản để mai này các em trở thành những hướng dẫn viên lan tỏa văn hóa trà Shan Suối Giàng” – Cô Loan chia sẻ.

Cách đó không xa, các thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Suối Giàng cũng xây dựng các chương trình phù hợp nhằm khuyến khích các em học sinh tìm hiểu và thực hành văn hoá trà. Nhờ đó, các em học sinh đều cơ bản hiểu về lịch sử của cây trà Shan tuyết, quy trình sản xuất chè truyền thống, thực hành pha trà. Để hiện thực hóa khát vọng Trà Shan vươn mình, nhà trường đã phối hợp cùng một số đơn vị cũng thực hiện các dự án ngắn về văn hoá trà tại nhà trường.

Các em học sinh ở Suối Giàng được tiếp cận với văn hóa trà ngay từ cấp học mầm non. Ảnh: CTV

Theo ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, việc đưa văn hóa trà vào trường học mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giáo dục về giá trị văn hóa, phát triển kỹ năng sống, khuyến khích tinh thần "khởi nghiệp" thông qua việc hiểu biết về trà. Đặc biệt, hàng năm các em học sinh đều được tham gia vào các lễ hội trà của địa phương, nơi không chỉ có các hoạt động văn hóa mà còn là dịp để các em thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình.

Ông Luyện Hữu Chung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái là miền đất tập trung rất đông đồng bào dân tộc thiểu số với văn hóa, phong tục tập quán đa dạng. Trong những năm qua, Yên Bái định hình triết lý phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, trong đó du lịch được định vị là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trên cơ sở như vậy, ngành giáo dục Yên Bái đã tích cực lồng ghép các chương trình ngoại khóa nhằm truyền thụ bản văn hóa cho các em học sinh để các em hiểu biết, trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống. Nhờ đó, các em có sẵn hành trang để vững bước tiến vào tương lai vừa lan tỏa bản sắc văn hóa vừa góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế cho địa phương.

Đọc thêm