Trên địa bàn huyện Yên Lạc hiện có 428 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động tại nhiều ngành nghề khác nhau với trên 3.785 lao động.
Trong quản lý hành chính về lĩnh vực đất đai, huyện thực hiện nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lập kế hoạch số hóa và lưu trữ hồ sơ địa chính ở dạng số để đưa vào khai thác sử dụng tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện.
Huyện tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Đồng thời triển khai mạnh mẽ việc kết nối liên thông điện tử để trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 với mục tiêu tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huyện đã chú trọng nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục và huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, UBND huyện đã triển khai thực hiện 290 dịch vụ công cấp huyện, 100 dịch vụ công cấp xã theo Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 23/01/2019 của UBND tỉnh, trong đó có 106 dịch vụ công cấp huyện và 32 dịch vụ công cấp xã mức độ 3, 4.
Huyện đã hoàn thành chuyển đổi phần mềm Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của UBND tỉnh và thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử, giải quyết thủ tục hành chính.
6 tháng đầu năm, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện đã tiếp nhận 2.406 hồ sơ, đã trả 2.374 kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân, trong đó tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn đạt 99,4%. UBND các xã, thị trấn đã tiếp nhận 11.952 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ trước và đúng hạn đạt 98,9%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng của huyện đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng, qua đó đã góp phần giảm chi phí, thời gian, công sức cho doanh nghiệp, người dân, tổ chức, cá nhân trong việc nộp thuế, phí, lệ phí.
Hiện nay, Chi cục thuế huyện đang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, huyện chỉ đạo các phòng chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo nghiêm túc các quy định về trật tự xây dựng, đảm bảo ATGT, phòng chống cháy nổ, hoàn thiện các thủ tục về thành lập các doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và giúp các doanh nghiệp khai thác các tiềm năng, thế mạnh, vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết lao động việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Huyện cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, doanh nghiệp. Hiện nay, các CCN làng nghề Minh Phương, CCN Đồng Văn, Trung Nguyên đang được đẩy nhanh tiến độ GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng; CCN Yên Phương đang được hoàn thiện các thủ tục về thành lập, giao chủ đầu tư.
Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đang hoạt động có hiệu quả, ổn định, chất lượng sản phẩm đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm như: Giường, tủ, chăn, ga, gối đệm,..., đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân các tỉnh thành trong cả nước.
Cùng với đó, Chương trình kết nối Ngân hàng với Doanh nghiệp đang tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, sản xuất kinh doanh tạo đà tăng trưởng lợi nhuận. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho gần 1.500 lao động nông thôn.
Xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên, trong thời gian tới, huyện Yên Lạc sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Huyện sẽ tập trung tháo gỡ những bất cập về pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; trong nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.