Yên Lạc (Vĩnh Phúc) quyết tâm xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Yên Lạc đã vào cuộc quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn.
Dựng lán, xưởng trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc.
Dựng lán, xưởng trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc.

Huyện Yên Lạc đã ban hành Đề án và xây dựng nhiều kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm về đất đai giai đoạn 2023 – 2024, bên cạnh đó, BTV Huyện uỷ, UBKT Huyện uỷ cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm đất đai đối với các tập thể và cá nhân.

Đến nay, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai được nâng lên; tỷ lệ vi phạm mới phát sinh đã giảm so với thời gian trước; một số trường hợp vi phạm cũ, diện tích lớn đã tự giác chấp hành, khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu của đất.

Sau 1 năm thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn, chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, toàn huyện đã xử lý hơn 130 trường hợp vi phạm lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn trước và sau ngày 1/7/2014; giải quyết 283 trường hợp giao đất trái thẩm quyền với diện tích 9,45 ha. Số trường hợp vi phạm phát sinh mới trong năm đều được các xã kiên quyết xử lý.

Các trường hợp vi phạm xảy ra tại hầu hết các xã, thị trấn, tuy nhiên tập trung tại địa bàn thuộc thị trấn Yên Lạc, thị trấn Tam Hồng, xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Đồng Cương, Trung Nguyên, Hồng Châu, Hồng Phương, Yên Đồng. Đặc biệt, qua công tác điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng đất đai, trong năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh "Vi phạm quy định về sử dụng đất đai" xảy ra tại xã Trung Nguyên đối với 1 bị can trú tại xã Tề Lỗ.

Mặc dù vậy, bên cạnh sự vào cuộc, quyết liệt trong tổ chức xử lý vi phạm và giải quyết các tồn tại về đất đai, huyện Yên Lạc vẫn chưa đạt yêu cầu theo Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn, chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đã đề ra; nhiều xã chưa đạt về tiến độ, thậm chí có xã chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào. Việc xử lý vi phạm của chính quyền một số xã, thị trấn chưa quyết liệt, khi phát hiện vi phạm có tổ chức lực lượng ngăn chặn, nhưng chưa triệt để, dẫn đến các hộ tiếp tục vi phạm. Cùng với đó, việc xử lý nhưng không thể khôi phục lại hiện trạng ban đầu để canh tác, sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp do đất đã bị biến dạng, hủy hoại.

Nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và tăng cường hơn nữa tính thiết thực hiệu quả của Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn, chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, tập trung quyết liệt xử lý các vi phạm đất đai còn tồn tại; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, không để người dân có hành vi vi phạm đất đai, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, huyện Yên Lạc tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai phát sinh mới trên địa bàn, lập lại kỷ cương thực thi pháp luật về đất đai, đảm bảo cho người sử dụng đất thực hiện đầy đủ, đúng quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Ngay đầu tháng 3/2024, toàn huyện đã tổ chức đợt cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai. Trong đợt 1 ra quân này, các xã, thị trấn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai như: Tự tháo dỡ các công trình vi phạm, hoàn thiện hồ sơ thực hiện đăng ký đất đai bắt buộc, công nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền; Tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, di dời tài sản tạo lập trên diện tích đất lấn, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích.

Qua thống kê, toàn huyện Yên Lạc có tổng số 1.015 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai cần phải xử lý trong năm 2024. Riêng đợt 1 ra quân từ ngày 12/3 đến ngày 31/3/2024, huyện Yên Lạc đề ra mục tiêu xử lý xong tối thiểu 25% các trường hợp giao của năm 2024.

Với quan điểm chỉ đạo: tập trung, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai. Trong xử lý vi phạm đất đai, huyện xác định công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm đất đai là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; việc xử lý các tồn tại, vi phạm cũ là nhiệm vụ trọng tâm nhưng phải có thời hạn nhất định. Quá trình xử lý phải kiên quyết, thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm.

Đi đôi với việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, huyện đánh giá kết quả xử lý vi phạm với xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể, cá nhân có liên quan. Theo đó, huyện sẽ thực hiện hiệu quả Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn, chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên phạm vi toàn huyện và hướng đến các đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người có thẩm quyền được nhà nước giao quản lý, sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Tuyên truyền cho mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đất đai, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các hành vi hủy hoại đất, lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn. Chính quyền các xã, thị trấn, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, sử dụng đất theo quy định của pháp luật và kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm, triệt để các vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn.

Đọc thêm