Yêu thương cha mẹ không quá xa xôi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự phát triển của kinh tế, công nghệ trong thời hiện đại đã làm thay đổi rất nhiều giá trị văn hóa trong mắt người trẻ. Chữ hiếu ngày nay vẫn là một nét đẹp đối với thế hệ 9x, 10x, nhưng đã có những chuyển biến khác so với ông bà, bố mẹ trước kia.
Đối với người trẻ, hiếu thảo là một truyền thống đẹp cần lưu giữ. (Ảnh minh họa, nguồn: Điện máy xanh)
Đối với người trẻ, hiếu thảo là một truyền thống đẹp cần lưu giữ. (Ảnh minh họa, nguồn: Điện máy xanh)

Truyền thống tốt đẹp cần được lưu giữ

Tục ngữ của ông cha ta ngày xưa có câu “Công cha nặng lắm ai ơi/Nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau”. Cho thấy ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái không gì sánh bằng. Ở thời hiện đại, đối với rất nhiều người trẻ Việt Nam chữ “hiếu” vẫn là nét đẹp, gốc rễ trong gia đình.

Nguyễn Mai Hạnh (26 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, hiếu thảo là sợi dây kết nối những thành viên trong gia đình với nhau. Quê nội Mai Hạnh ở Hưng Yên, ông bà nội có bốn người con, hai tuần một lần, các gia đình lại tụ họp nhau ở quê. Cùng ngồi quây quần bên ông bà ăn mâm cơm nóng, kể chuyện rôm rả rất vui vẻ.

Cô tâm sự, ông bà cô đã ngoài 80 tuổi, nhưng yêu quê, gắn bó với làng xóm láng giềng nên nhất khoát không chịu lên thành phố ở với con cháu. Cô út chưa chồng con thương cha mẹ bỏ việc trên Hà Nội về quê khởi nghiệp buôn bán, tiện chăm sóc ông bà.

Cứ hai tuần một lần, đều đặn không quản mưa to gió lớn, các gia đình đều tụ họp về quê chăm sóc, cho con cháu quây quần bên ông bà. Đây là khoảng thời gian các anh chị em họ nhà cô gắn kết với nhau. Nhờ vậy, mà dù tám anh chị em họ đã gần 30 tuổi đều thân thiết, luôn sẵn sàng giúp đỡ, trò chuyện, tâm sự vui buồn với nhau. Mai Hạnh chia sẻ: “Bố mẹ thường dạy tôi, giá trị gia đình là thứ vĩnh viễn không thể mua được bằng tiền. Dù có giàu có, giỏi giang đến đâu, nhưng nếu không đối xử tốt với chính người thân của mình thì chúng ta không thể tốt với ai khác”.

Thực tế, chữ “hiếu” là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng đạo đức, nền tảng của hạnh phúc trong mỗi gia đình, đặc biệt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chữ “hiếu” luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Trong gia đình, nếu như con cái sống có lễ nghĩa, hiếu thảo thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên tốt đẹp, nhưng ngược lại, nếu như con cái không giữ trọn chữ “hiếu” mà tỏ ra sống vô lễ, bất hiếu với cha mẹ thì sẽ dẫn đến sự đổ vỡ, mâu thuẫn thường xảy ra, gây nên đau khổ và bất hạnh cho gia đình, ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội.

Chữ “hiếu” đối với người trẻ hiện nay còn là động lực để giúp họ nỗ lực trong công việc và cuộc sống. Nguyễn Hà Linh (29 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, gia đình cô có năm người. Cô và chị gái đã đi làm, đằng sau còn có một người em trong tuổi đến trường. Bố mẹ Hà Linh là cán bộ nhà nước, đồng lương cơ bản, gia đình sống đơn giản, tiết kiệm. Từ bé, có đồ ăn ngon, quần áo đẹp, đồ dùng tốt bố mẹ đều nhường cho ba chị em Hà Linh.

Sau này, khi Hà Linh và chị gái có công ăn việc làm ổn định bố mẹ đã ngoài 60 tuổi, không còn trẻ trung nữa. Vì vậy, chị em cô thường cố gắng, nỗ lực hết mình trong công việc để hỗ trợ kinh tế cho gia đình. Cô chia sẻ: “Chúng tôi thường có kế hoạch chi tiêu trong một năm. Phần tiền tiết kiệm sẽ được dùng để mua sắm món quà nhỏ cho bố mẹ, hỗ trợ học phí cho em út và thay những đồ điện tử đã cũ trong nhà như ti vi, tủ lạnh, điều hòa,...”.

Hà Linh tâm sự: “Mỗi ngày nhìn bố mẹ già đi, tôi mong muốn mình sớm có những thành tựu tốt hơn trong công việc. Có thêm thu nhập, tôi sẽ mua cho “hai cụ” một căn nhà rộng rãi hơn, tặng bố mẹ những chuyến đi du lịch thăm thú thế giới này. Đồng thời, tôi cũng hy vọng mình có nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự với bố mẹ”.

Đó còn là câu chuyện của cô gái mang tên mang tên Quinn Anh Phạm (hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ) được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Được biết, nhà có hai mẹ con, vì có học lực tốt, nên cô gái sớm nhận được học bổng du học ở nước ngoài. Tại Việt Nam, mẹ cô luôn là chỗ dựa tinh thần, vật chất để Quinn Anh Phạm có được tấm bằng và công việc tốt tại nước Mỹ.

Sau 10 năm xa xứ, nỗ lực cố gắng hết mình, cô gái đã dành dụm được một số tiền nho nhỏ để mua cho mẹ căn chung cư ở Hưng Yên. Cô gái dành hết tâm huyết để trang trí căn nhà, tạo không gian đẹp, thư thái và tiện nghi cho mẹ. Cô tâm sự: “Mẹ là người luôn bên cạnh động viên tinh thần, ủng hộ tôi vô điều kiện. Sau mười năm, mẹ đã hy sinh nhiều cho tôi, dành hết tình yêu vô điều kiện, nhưng tôi chưa bao giờ tặng mẹ một món quà thực sự ý nghĩa”.

“Lằn ranh” mong manh của chữ “hiếu”

Chữ “hiếu” là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, tuy nhiên, hiện nay đôi lúc chữ “hiếu” là áp lực khiến thế hệ trẻ cảm thấy nặng nề, sợ hãi. Như theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo gia đình (FRT), khoảng 27% thanh, thiếu niên ở Việt Nam bị áp lực trong môi trường học tập, trong đó hơn 50% là áp lực từ phía gia đình. Vì vậy, nhiều người trẻ cho biết, họ cần phải cân bằng giữ chữ “hiếu” và cái đúng, cái sai trong cuộc sống thường ngày.

Nguyễn Diệu Ly (18 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, cô rất yêu bố mẹ của mình, có những việc cô chắc chắn sẽ tôn trọng, lắng nghe ý kiến của bố mẹ, ngược lại có một số vấn đề Diệu Ly sẽ lựa chọn hướng đi khác. Ly cho biết: “Gia đình em có truyền thống làm kinh tế, tuy nhiên, sau 12 năm học, em nhận ra mình không có khả năng về môn tự nhiên, tính toán. Bố mẹ đã ra “quyết định” chọn nghề cho em. Nếu theo đúng đạo “hiếu” em phải nghe lời bố mẹ. Nhưng em vẫn lựa chọn học ngành Luật, cá nhân em cảm thấy đây là một việc làm đúng pháp luật, đúng khả năng, không vi phạm đạo đức”.

Hiện nay, quan niệm về chữ “hiếu” có những thay đổi nhất định. Không còn câu chuyện “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhiều người trẻ cho biết, cần phải đặt ra “lằn ranh” giữa tình cảm gia đình và tự do cá nhân.

Trịnh Tiến Đạt (26 tuổi, Quan Hoa, Hà Nội) cho biết, dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho bố mẹ, ông bà về tinh thần, vật chất là điều đúng đắn. Tuy nhiên, mỗi gia đình sẽ có một hoàn cảnh khác nhau. Anh nói: “Tôi là con một trong nhà, kỳ vọng bố mẹ đặt lên bản thân tôi rất lớn. Gia đình muốn tôi vào trường tốp đầu, học ngành nghề lương cao, cưới vợ, sinh con khi đến tuổi,... Tuy nhiên, có những điều tôi thấy không phù hợp với khả năng của bản thân. Vì vậy, tôi luôn dành thời gian bàn bạc, trò chuyện và giải thích với bố mẹ trước khi làm các việc lớn”. Theo Tiến Đạt, miễn là việc bản thân làm đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp khả năng thì không có gì đáng lo lắng.

Một câu chuyện khác của Trần Minh Ánh (25 tuổi, Dịch Vọng, Hà Nội) tâm sự, cô là người trong giới LGBT (giới tính thứ 3). Ban đầu, khi công khai, gia đình không thể chấp nhận được chuyện này. Bố mẹ ngầm trách Minh Ánh “bất hiếu” khi không làm tròn bổn phận một người con gái và làm xấu hổ gia đình. Bản thân Minh Ánh từng dọn ra khỏi nhà một thời gian vì cảm thấy có lỗi với bố mẹ.

Sau này, khi đã có thêm kiến thức về giới, cô dần tự tin hơn, sẵn sàng nói chuyện bình tĩnh, giải thích cho bố mẹ hiểu. Minh Ánh tâm sự: “Bố mẹ tôi vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận được chuyện này. Nhưng, theo thời gian, bằng sự kiên trì, nỗ lực của mình, tôi tin rằng gia đình sẽ dần dần thay đổi”.

Quả thực, ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ cao như trời biển, chúng ta có trả cả đời cũng không bao giờ hết. Nhưng nhìn nhận một thực tế, còn đó, các chữ “hiếu” cần được cởi mở hơn để giúp cho những người con phát huy thế mạnh, tiềm năng và sống đúng với bản chất của mình.

Thực tế, đừng nghĩ chữ “hiếu” là một điều gì đó cao xa, nó ở ngay trong suy nghĩ và trong từng hành động nhỏ mà chúng ta đối xử với cha mẹ. Vì vậy, đừng lãng phí hay chậm trễ giây phút nào lạnh nhạt với cha mẹ mình. Hãy sớm yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng để không bao giờ phải hối tiếc. Báo hiếu đâu cần làm những việc gì lớn lao, mà quan trọng là làm cho cha mẹ hiểu được tình cảm con cái dành cho họ. Cha mẹ đã suốt đời vì con, làm tất cả vì con nhưng đâu cần con cái báo đáp lớn lao. Cần con cái mạnh khỏe, hạnh phúc và quan tâm đến mình thôi là họ đã cảm thấy thỏa mãn lắm rồi.

Đọc thêm